Sổ tay Văn học 11

Tống biệt hành – Thâm Tâm

Tác giả

Thâm Tâm (1917-1950) là bút danh của Nguyễn Tuấn Trình, quê tại Hải Dương. Sống và viết văn tại Hà Nội. Giá trị nhất của Thâm Tâm là thơ. Tên tuổi Thâm Tâm gắn liền với bài thơ “Tống biệt hành”. Có nhà phê bình thơ đã xếp “Tống biệt hành” là một trong mười bài thơ hay nhất của “Thơ mới” Việt Nam (1932-1941). Giọng thơ cứng cáp, phảng phất hơi thơ cổ, tuy “vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại” (Hoài Thanh). Kháng chiến bùng nổ, Thâm Tâm làm công tác văn nghệ trong quân đội, ốm chết năm 1950 “Mưa đường số 5” là bài thơ hay nhất của ông viết trong kháng chiến.

Xuất xứ, chủ đề

– Thâm Tâm viết “Tống biệt hành” vào năm 1940.

– Bài thơ thể hiện lòng mến yêu, sự ngưỡng mộ và trân trọng đối với người lên đường đi xa vì nghĩa lớn.

Phân tích

1. Nhan đề bài thơ : “Tống biệt hành” là bài hành đưa tiễn người đi xa.

2. Cảnh đưa tiễn diễn ra vào một buổi chiều, không hề có bến đò, dòng sông, không diễn ra trong khoảnh khắc hoàng hôn mà vẫn buồn. Câu 2 và câu 4 là câu hỏi tu từ, người đưa tiễn tự hỏi. Nhiều băn khoăn ngạc nhiên. Lấy ngoại cảnh (sóng, hoàng hôn) để diễn tả tâm cảnh xao xuyến, những rung động buồn, lo… đang dâng lên trong lòng. Có câu thơ toàn thanh bằng gợi tả nỗi niềm mênh mang. Các từ ngữ hô ứng cũng tạo nên âm điệu buồn thương khó tả: “đưa người… không đưa… sao có; không thẳm không vàng vọt… sao đầy…”. Hay ở cách nói biểu cảm tinh tế, hay ở giọng điệu, hay ở cấu trúc song hành câu thơ:

“Đưa người ta không đưa qua sông,

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”

3. Hình ảnh ly khách:

– Ôm chí lớn với quyết tâm lên đường. Ly khách: khách ra đi, người ra đi. Cách gọi trang trọng, cảm phục. Điệp lại 2 lần “ly khách” cảm thán kết hợp với câu hỏi tu từ, nhịp thơ 2-2-3 vang lên âm điệu trầm hùng của một hành khúc, một tráng ca:

“Ly khách/ ly khách!/ con đường nhỏ/

Chí lớn chưa về bàn tay không?

Thì không bao giờ nói trở lại

Ba năm mẹ già cũng đừng mong”

Các từ phủ định: chưa về, không bao giờ, đừng mong thể hiện một ý chí sắt đá, một quyết tâm không gì lay chuyển nổi.

– Về phương diện tình cảm, ly khách là một đứa con, một đứa em, một người anh. Có mẹ già, có hai chị như sen mùa hạ (đẹp) “khuyên nốt em trai dòng lệ sót”. Có em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc – Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay”. Rất nhân tình, rất người nên ly khách vẫn mang một nỗi buồn riêng khó giấu kín:

“Ta biết người buồn chiều hôm trước,…”

“Ta biết người buồn sáng hôm nay…”

So sánh “Một chị, hai chị cũng như sen” đã là hay. Hình ảnh em nhỏ, “ngây thơ đôi mắt biếc – gói tròng thương tiếc chiếc khăn tay” kết hợp với 3 vần thơ (vần lưng): “biếc-tiếc-chiếc” lại càng hay, gợi tả nhiều vương vấn trong lòng kẻ ở lại và người ra đi.

– Bốn câu cuối có nhiều cách hiểu khác nhau. Cách diễn tả trùng điệp. Giây phút ly khách lên đường đã diễn ra. Vượt lên trên thói nữ nhi thường tình. Ly khách đã ra đi vì một nghĩa lớn, một chí lớn. Đặt nghĩa lớn lên trên mọi tình cảm gia đình. Vần thơ đầy ấn tượng, dư ba:

“Người đi? Ừ nhỉ người đi thực!

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say”

Giây phút giã biệt tuy buồn, điều đó càng làm nổi bật lý tưởng và quyết tâm lên đường (Một giã gia đình, một dửng dưng” của ly khách.

Kết luận

Sử dụng tài tình một điển cố đã ca ngợi ly khách ôm chí lớn lên đường. Năm 1940 ở nước ta, hình ảnh ly khách trong bài thơ đầy ngưỡng mộ. Đẹp như một tráng sĩ với thanh gươm nghìn cân lên đường. “Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ gân guốc rắn rỏi” – “Tống biệt hành” như một hành khúc giục giã lên đường. Mọi cuộc lên đường vì nghĩa lớn xưa và nay đều đẹp và đượng ngưỡng mộ.

Ebook, Sách tham khảo - Tags: , ,