Sổ tay Văn học 11

Tác phẩm văn học

Định nghĩa

– Tác phẩm văn học là sáng tác cụ thể, văn bản ngôn ngữ hoàn chỉnh, vừa có ý nghĩa vừa có tính thẩm mỹ.

– Một bài ca dao hai câu, một bài thơ tứ tuyệt, một truyện ngụ ngôn nửa trang, một truyện ngắn mi-ni, bộ Tam quốc chí,… đều là tác phẩm văn học

Thế giới hình tượng của tác phẩm văn học

1. Khái niệm:

Thế giới hình tượng là hệ thống các hình tượng được dệt nên bởi các chi tiết, tình tiết, quan hệ,… cho phép ta hình dung được sự hiểu biết và cảm nhận của tác giả đối với thế giới và con người.

– Chú ý: Cần phân biệt các khái niệm: hình ảnh, ngôn ngữ hình tượng, thế giới hình tượng.

2. Ví dụ:

Trong ca dao, thuyền và bến; trong thơ Xuân Diệu, bài Biển thì sóng và bờ, trong bài Thuyền và biển, Sóng của Xuân Quỳnh thì thuyền, biển – là cặp hình tượng nói về tình yêu lứa đôi.

Các lớp nội dung của tác phẩm văn học

Đề tài, chủ đề, cảm hứng, nội dung triết lý, sắc điệu thẩm mỹ – là năm lớp nội dung của tác phẩm văn học.

1. Đề tài:

– Đề tài là hiện tượng đời sống được thể hiện qua miêu tả.

– Ví dụ: “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “Tắt đèn”,… viết về đề tài nông dân.

2. Chủ đề:

– Chủ đề là vấn đề chính, vấn đề chủ yếu mà tác phẩm muốn nêu lên qua một hiện tượng đời sống.

– Ví dụ: Chủ đề truyện “Đời thừa” là bi kịch tinh thần của người trí thức nghèo trong xã hội thực dân phong kiến.

3. Cảm hứng:

– Cảm hứng “là nội dung tình cảm của tác phẩm”

– Ví dụ, bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” của Bà Huyện Thanh Quan, cảm hứng chủ đạo là nỗi buồn cô đơn, lạnh lẽo và nỗi buồn nhớ nhà của người lữ khách.

4. Nội dung triết lý:

– Quan niệm về thế giới, quan niệm về con người là nội dung triết lý của tác phẩm văn học.

– Ví dụ, nội dung triết lý của truyện ngắn “Đời thừa” là gì?

+ Là khoái cảm của văn chương “dẫu ăn một món ăn ngon đến đâu cũng không thích bằng”

+ Là nghề văn tuy nghèo mà sang trọng: “Tuy khổ thì khổ thật, nhưng thử có người giàu bạc vạn nào thuận đổi lấy cái địa vị của tôi (Hộ), chưa chắc tôi đã đổi”.

+ Là quan niệm về kẻ manh: “Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”.

5. Sắc điệu thẩm mỹ của tác phẩm là vẻ đẹp chủ yếu tương ứng với cảm hứng và chủ đề tác phẩm.

– Ta thường nói: “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” là một cách đánh giá sắc điệu thẩm mỹ của tác phẩm văn học.

– Nói về sắc điệu thẩm mỹ trong “Nhật ký trong tù”, Hoàng Trung Thông viết:

“Văn thơ của Bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”.

Ebook, Sách tham khảo - Tags: , ,