Sổ tay Văn học 11

Người làm vườn “67”

Xuất xứ

Tập thơ “Người làm vườn” của Tagor xuất bản năm 1914, một năm sau khi tác giả nhận được giải thưởng Nobel về văn chương. “Người làm vườn” gồm có 85 bài thơ được đánh số, không có nhan đề riêng cho từng bài. Đây là bài thơ số “67”

Tập thơ “Người làm vườn” hầu hết nói về tuổi trẻ và tình yêu bằng một giọng thơ hồn nhiên, trẻ trung và yêu đời. Tình yêu mà Tagor nói đến trong tập thơ không chỉ là tình yêu lứa đôi nam nữ mà còn là tình yêu đối với thiên nhiên, đối với đất nước quê hương.

– “Em yêu ơi, em hãy nói với anh đi

Hãy nói với anh những lời em đã hát”

(Bài thơ số “29”)

– “Hỡi người mẹ đất bụi của con

(…) Con muốn trút những lời ca của con

vào trong quả tim thầm lặng của mẹ”

(Bài thơ số “73”)

Bước vào vườn thơ này, ta sẽ nghe tiếng hót của “con chim vàng”, mùi thơm ngọt ngào của hoa xoài, cánh sen nở trong ánh mặt trời; rung động với tiếng gù của bầy chim câu, tiếng “hổn hển” của dòng sông… Ta sẽ nghe nhà thơ nói chuyện với người yêu, với cỏ hoa, chim chóc, với tạo vật giữa bao la muôn đời…

Chủ đề

Cũng như chim tung cánh bay, tuổi trẻ với nghị lực, tài năng và sức mạnh của chính mình hãy bay tới mọi chân trời, vượt qua mọi thử thách gian truân. Thi sĩ luôn luôn dõi theo “cánh chim bay” với bao yêu thương, đợi chờ…

Phân tích

1. Câu thơ “Chim ơi, Chim/ hãy lắng nghe ta/ xin đừng xếp cánh” vang lên 4 lần như một điệp khúc thiết tha, vừa ân cần giục giã, vừa tin cậy, yêu thương.

Chim hãy tung cánh bay đi, đừng ngần ngại nữa. Cho dù ngày đã tàn, cho dù mọi người đã mỏi mệt “đã về chỗ nghỉ ngơi”, cho dù bóng tối và mọi khó khăn đang chờ ở phía trước… thì “Chim ơi, Chim/ hãy lắng nghe ta/ xin đừng xếp cánh”. Từ “dù” được điệp lại 3 lần, nhà thơ chỉ cho bầy chim – tuổi trẻ – nhận thức đầy đủ rằng: hành trình bay đi gặp nhiều trắc trở. Cách nói của Tagor rất độc đáo và thi vị. Nói về cảnh ngày tàn, Bà Huyện Thanh Quan viết: “Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn”, nhà thơ Hồ Chí Minh viết “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ”,… thi hào Tagor có cách nói riêng của mình:

“Dù buổi chiều đang đến dần từng bước

và báo cho mọi lời ca tiếng hát

hãy đừng đi…”

Đó là cảnh chiều êm ả. Thời gian nhẹ trôi. Mọi hoạt động hăng say của cuộc sống sắp bước vào điểm “dừng” trong màn đêm… Chính lúc đó “xin đừng xếp cánh”. Chim ơi! Phải biết vượt lên cái bình thường để sống đẹp, đó là một ý tưởng nằm sâu dưới vần thơ, nói một cách khác là “ý tại ngôn ngoại”.

2. Hành trình của bầy chim – tuổi trẻ – không chỉ là “núi cao, rồi lại núi cao trập trùng” mà còn là đại dương mênh mông, đêm tối mịt mù, là nỗi sợ hãi, sóng cồn, bão tố… Chim phải vượt qua “biển đang phồng lên” nổi sóng lúc “bóng tối âm u”. Hành trình vượt qua đầy thử thách gian truân. Nhận thức “hành lộ nan” để có thái độ tích cực trong ứng xử:

“Chính là biển đang phồng lên

như một con rắn đen tăm tối.

Không phải là cuộc khiêu vũ của hoa nhài đang nở,

mà chính là bọt nước ngời lên.”

Con đường đời xưa nay làm gì có nhiều hoa thơm trái ngọt? Mỗi dặm đường vượt qua đều phải trả giá bằng nỗ lực và quyết tâm, “không phải là cuộc khiêu vũ của hoa nhài đang nở”. Đường bay của Chim còn nhiều thử thách khó khăn. Chưa rõ chân trời, đâu là đích tới. Dễ lạc lối, lạc bầy!

Xưa kia thi thể tiền Lí Bạch (701-762) từng nói: “Đường đi khó! Đường đi khó! Đường đi khó! Nay ở đâu? Đường bao ngả!” (Hành lộ nan), thì đầu thế kỉ 20 này, Tagor nói lên ý tưởng ấy bằng một cách nói khác:

“Ôi, đâu rồi bờ biển xanh rực nắng,

và đâu rồi, tổ ấm của ngươi?”

Lại một ý mới mể đầy sáng tạo. Thơ của Tagor là một ngôi đền tráng lệ dẫn hồn ta suy mê, ngạc nhiên không cùng khí chiêm ngưỡng và khám phá vẻ đẹp của nó. Hình tượng “ngôi sao” là một nét vẽ tài hoa. Nhà thơ nhắc khẽ cánh chim. Giữa vũ trụ bao la chim không đơn độc, vẫn có trăng sao là bạn đồng hành. Sao “nín thở đếm từng giờ”, trăng đang bơi trong đêm thẳm”. Trăng và sao, đêm đêm vẫn thức canh giữ bầu trời, đánh dấu thời gian, chiếu rọi đêm tối:

“Những ngôi sao nín thở đếm từng giờ

Vầng trăng mỏi đang bơi trong đêm thẳm”…

Vì thế, không thể và không nên: “Chim ơi, Chim – hãy lắng nghe ta – xin đừng xếp cánh”.

Khổ cuối, cấu trúc rất đặc biệt, từ phủ định đi đến khẳng định. Sau hàng loạt chữ “không có” là từ “chỉ có” vang lên đĩnh đạc hào hùng. Không thể “nghỉ ngơi” an nhàn bởi lẽ “Không nhà cửa, không có giường để nghỉ ngơi!” Và chim chỉ có, chỉ có:

“Chỉ có đôi cánh của ngươi

Và bầu trời mờ mịt”

Chim chỉ có thể bay cao, bay xa, vượt qua trùng dương “mờ mịt” bằng nghị lực, tài trí và sức mạnh của “đôi cánh của mình”. Và tuổi trẻ cũng phải vào đời bằng “đôi cánh của ngươi” – Nghị lực phi thường, sống và đua tranh bằng sức mạnh tự thân của mình là một ý tưởng mang vẻ đẹp nhân văn tuyệt vời.

Trong bài thơ này, không gian nghệ thuật với bầu trời trăng sao, với sóng cồn đại dương, với hoa nhài có điệu múa, có lời ca tắt trong hoàng hôn, có cánh chim tung bay… Thế giới thiên nhiên huyền diệu, tạo vật phong phú được nhân hóa mang hồn người và tình người. Không gian nghệ thuật đã góp phần tô đậm hồn thơ của Tagor: hồn nhiên, thanh khiết, thơ mộng…

Bài thơ số “67” là bức thông điệp màu xanh của Tagor gửi tới những tâm hồn thanh xuân trong cuộc đời. Với Gorki phải là “cánh chim báo bão”. Với thi hào Ba Tư thì:

“Tâm hồn tôi là một cánh chim thiêng,

Gầy tổ trên tầng trời cao nhất!”…

Với Nguyễn Hữu Cầu:

“Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán…”

Tagor vẫn ân cần tha thiết động viên mình và động viên mỗi chúng ta:

“Chỉ có đôi cánh của ngươi

Và bầu trời mờ mịt

Chim ơi, Chim

hãy lắng nghe ta

xin đừng xếp cánh”.

Đó là một tư thế sống đẹp muôn lần được khâm phục và ngợi ca.

Ebook, Sách tham khảo - Tags: , ,