Sổ tay Văn học 11

Thu vịnh – Nguyễn Khuyến

Thu Vịnh

Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.

Nước biếc trông như từng khói phủ,

Song thưa để mặc bóng trăng vào.

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,

Một tiếng trên không ngỗng nước nào.

Nhân hững cũng vừa toan cất bút,

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

Cảm hứng chủ đạo

Thu vịnh có nghĩa là vịnh mùa thu, cũng có thể hiểu mùa thu làm thơ ngâm vịnh. Bài thơ nói lên những rung động của tâm hồn. Nguyễn Khuyến, trước cảnh đẹp mùa thu; ngập ngừng bày tỏ một nỗi niềm thầm kín trước thời cuộc.

Phân tích

1. Đề 

Câu 1, tả vẻ đẹp trời thu nơi đồng quê: xanh ngắt, thăm thẳm “mấy từng cao”. Còn có cái bao la, mênh mông của bầu trời mà ta cảm nhân được. Câu 2 tả một nét thu hữu tình. Gió thu nhè nhẹ, lành lạnh “hắt hiu” gợi buồn, khẽ lay động những ngọn tre, ngọn măng trên luỹ tre làng. “Cần trúc lơ thơ” là một hình ảnh đầy chất thơ mang theo hồn quê man mác.

2. Thực

Cảnh thu sáng sớm hay hoàng hôn, chập tối hay canh khuya? Mặt ao thu “nước biếc” bao phủ mơ màng một làn sương “như từng khói phủ”. Đêm đêm nhà thơ mở rộng cửa sổ (song thưa) để đón trăng thu. Hai chữ “để mặc” trong câu thơ “Song thưa để mặc bóng trăng vào” rất thần tình, gợi tả tâm hồn rộng mở và thanh cao của thi nhân. Nguyễn Khuyến thưởng trăng nào có khác gì Nguyễn Trãi 600 năm về trước: “Hé cửa đêm chờ hương quế lọt” (Hương quế: trăng). Phần thực tả trăng nước mùa thu mang vẻ đẹp êm đềm, thơ mộng. Nhà thơ như đang chan hòa, đang trang trải lòng mình với thiên nhiên.

3. Luận

Lấy hoa để nhắc lại hoài niệm; lấy tiếng ngỗng không chỉ mượn động để tả tĩnh mà còn để gợi tả nỗi niềm cô đơn của mình. “Hoa năm ngoái” như một chứng nhân buồn. Có khác gì Đỗ Phủ xưa: “Khóm cúc tuôn rơi dòng lệ cũ”? “Ngỗng nước nào”, một câu hỏi nhiều bâng khuâng. Quê hương mình, đất nước mình… nhưng hồn quê nay đã sầu tủi, hồn nước nay đã bơ vơ… đã thành “nước nào” rồi. Tiếng chích chòe, tiếng cuốc kêu, tiếng ngỗng gọi đàn trong thơ Nguyễn Khuyến đầy ám ảnh. Lấy cái nhìn thấy đối với cái nghe thấy, lấy thời gian đối với không gian, Nguyễn Khuyến đã khơi gợi trong hồn ta cái chất thơ của tình thu quyện vào trong cảnh thu. Thu vịnh là như thế!

4. Kết

Niềm hứng khởi và nỗi thẹn của nhà thơ. Ngập ngừng muốn cất bút làm thơ để vịnh thu, nhưng rồi lại thẹn. Thẹn với ai? Với danh sĩ Đào Tiềm đời nhà Tấn bên Trung Quốc ngày xưa. Thẹn về tài thơ hay thẹn về khí tiết? Lấy điển tích này diễn đạt bằng một so sánh, Nguyễn Khuyến khiêm tốn và kín đáo giãi bày tâm sự mình, khẳng định lương tâm một nhà nho quyết giữ vững khí tiết: “Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu” (Di chúc).

Kết luận 

Có yêu mùa thu nhiều lắm mới tả, mới vịnh mùa thu hay như vậy. Một nét thu là một nét vẽ thoáng và nhẹ, thanh và trong, thực và mộng. Bầu trời và mặt nước, ngọn tre và làn gió thu, bóng trăng và màn sương khói, chùm hoa và tiếng ngỗng trời… chứa đựng cả một hồn thu đồng quê xa xưa. Trong cái hồn thu ấy thoáng hiện tâm tình, tâm hồn thi nhân: thanh cao, giàu khí tiết, lặng lẽ và cô đơn. Cảnh thu, tình thu đẹp mà thoáng buồn, đầy chất thơ. “Thu vịnh” là một bài thơ kiệt tác.

Ebook, Sách tham khảo - Tags: , ,