Các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng thị giác của trẻ em

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc trẻ nhìn sự vật như thế nào, thậm chí tạo ra sự khác biệt trong việc sử dụng thị giác của trẻ này và trẻ khác.

Khả năng thị giác của trẻ, chẳng hạn như thị lực, thị trường, sự phối hợp vận động của mắt, tri giác màu sắc,… là những yếu tố rõ nét nhất. Tuy nhiên, những đặc điểm cá nhân và năng lực của trẻ cũng ảnh hưởng đến cách trẻ sử dụng thị giác như thế nào. Khả năng nhận thức, đặc điểm tâm lý, sự tương tác xã hội, động cơ và những khía cạnh khác liên quan đến nhân cách của trẻ cũng quyết định cách trẻ tiếp nhận và vượt qua những thách thức của tật khiếm thị như thế nào.

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng thị giác của trẻ em

Hãy quan tâm tới thị giác của trẻ

Các yếu tố môi trường tồn tại bên ngoài cuộc sống của trẻ nhưng chúng lại có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện thị giác chức năng của trẻ. Những yếu tố này bao gồm ánh sáng, độ tương phản, màu sắc, khoảng cách và thời gian.

Ánh sáng

Cường độ, kiểu, hướng, vị trí của ánh sáng, khoảng cách từ nguồn sáng cũng như tần số phản xạ khi thực hiện nhiệm vụ là những yếu tố quan trọng đối với việc sử dụng thị giác. Một số trẻ quá nhạy cảm với ánh sáng có thể cảm thấy đau mắt hoặc khó chịu với ánh sáng trắng, chiếu trực tiếp hoặc chói. Ngược lại, một số trẻ cần nhiều ánh sáng để có thể nhìn tốt nhất.

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng thị giác của trẻ em-1

Trẻ học bài cần đủ ánh sáng

Do vậy, điều quan trọng là phải quan sát trẻ trong các điều kiện ánh sáng khác nhau và thử nghiệm dưới các nguồn khác nhau. Hướng dẫn trẻ biết cách chỉnh vị trí đèn thích hợp với mình. Một số trẻ thì cần tránh để mắt đối diện trực tiếp với nguồn sáng. Nhưng đối với một số trẻ nhìn kém khác thì kỹ năng đặt sát mắt vào vật chiếu sáng để nhìn vật cho rõ hơn cũng là điều cần thiết và hoàn toàn không ảnh hưởng đến thị giác của trẻ.

Màu sắc/ Độ tương phản

Tăng độ tương phản giữa đồ vật và phần nền, giảm bớt những chi tiết xung quanh mục tiêu cần nhìn cũng là một cách giúp trẻ nhìn tốt hơn. Trẻ nhìn kém cần sự khác biệt lớn giữa đồ vật và phần nền để nhìn rõ hơn. Đen và trắng thường tạo ra sự tương phản rõ nhất, nhưng sự kết hợp giữa những màu sắc khác cũng có thể rất hiệu quả, phụ thuộc vào từng trẻ.

Điều quan trọng là phải thử nghiệm với màu sắc, kích thước đồ vật, ánh sáng khác nhau để đánh giá độ tương phản màu sắc thích hợp với trẻ. Những điều chỉnh về độ tương phản thường rất đơn giản và không tốn kém. Chẳng hạn, phụ huynh và giáo viên có thể điều chỉnh độ tương phản của khăn trải bàn, giấy dán tường, thảm lót sàn, khay đựng thức ăn,… Chúng ta cũng có thể thay đổi màu sắc của đồ vật đặt trên màu nền để tạo ra sự tương phản cao hơn. Những bề mặt nền quá rối rắm, quá chi tiết thì không nên sử dụng.

Kích thước và khoảng cách

Trong trường hợp bị giảm thị lực, thì trẻ sẽ nhìn khó khăn hoặc nhìn không rõ ràng một đồ vật có kích thước quá nhỏ. Để giúp trẻ nhìn đồ vật rõ hơn, phụ huynh và giáo viên cần làm cho đồ vật lớn hơn. Việc điều chỉnh này có thể tiến hành theo nhiều cách. Đưa mắt gần hơn tới đồ vật sẽ làm cho đồ vật trông rõ hơn (di chuyển gần hơn tới cột đèn, đèn cá bơi, nhìn gần hộp đèn…). Hoặc có thể bằng cách tăng kích thước của đồ vật hoặc mục tiêu nhìn (chữ in lớn, đậm, tranh ảnh và tài liệu phóng lớn).

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng thị giác của trẻ em-2

Học bài đúng tư thế khoảng cách

Các thiết bị quang học như kính đọc sách, ống dòm, kính phóng đại có chân, cầm tay, bộ khuếch đại điện tử hay vô tuyến truyền hình mạch kín (CCTV) hỗ trợ việc điều chỉnh kích thước của hình ảnh theo hướng phóng to hoặc thu nhỏ, thay đổi màu sắc của hình ảnh và tăng thêm độ tương phản. Tuy nhiên, mỗi loại thiết bị quang học đều có những hạn chế nhất định khi sử dụng. Vì vậy hãy đưa trẻ đến bác sĩ nhãn khoa để được đánh giá về việc sử dụng các thiết bị quang học.

Thời gian

Sự chính xác và tốc độ thực hiện một hoạt động cũng sẽ giảm theo mức độ giảm thị lực. Tuy nhiên, khía cạnh này trong thực tế thường bị bỏ qua. Trẻ khiếm thị cần nhiều thời gian hơn để phát hiện, nhận diện và thao tác trên đồ vật và điều này cần đặc biệt chú ý hơn đối với trẻ đa tật. Việc phải nhìn quá lâu có thể làm cho mắt bị mệt mỏi, làm giảm tốc độ, sự chính xác và chú ý của trẻ. Ngược lại, những hoạt động diễn ra quá nhanh hoặc các sự vật chuyển động cũng gây khó khăn cho trẻ trong việc nhận diện. Trẻ khiếm thị cần nhiều thời gian hơn để định vị và phân biệt đồ vật. Đồng thời độ dài thời gian cho các hoạt động thị giác chỉ nên tăng lên một cách từ từ để tránh cho mắt khỏi mệt mỏi.

Tóm lại, vai trò của môi trường đối với các hoạt động thị giác của trẻ khiếm thị thường ít được hiểu hoặc chú ý đúng mức trong thực tế hiện nay. Thực tế đã chứng minh thị giác ảnh hưởng đến tất cả những lĩnh vực phát triển và khả năng thực hiện các hoạt động của trẻ và thông qua những điều chỉnh về môi trường có thể dạy cho trẻ sử dụng thị giác chức năng có hiệu quả hơn.

Tin tức - Tags: , ,