Đề thi giáo viên dạy giỏi trường mầm non Sơn Lâm năm 2017 – 2018

Đề thi giáo viên dạy giỏi cấp trường mầm non Sơn Lâm năm 2017 – 2018 là đề thi Lý thuyết hội thi giáo viên dạy giỏi gồm 2 phần thi: Phần trắc nghiệm và phần tự luận giúp quý thầy cô giáo chuẩn bị và ôn tập hiệu quả trước kì thi giáo viên dạy giỏi cấp trường.

Hi vọng tài liệu này sẽ giúp ích cho các bạn.

TRƯỜNG MẦM NON SƠN LÂM

ĐỀ THI LÝ THUYẾT HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI CẤP TRƯỜNG

NĂM HỌC 2017 – 2018

(Thời gian làm bài 120 phút)

Họ và tên người dự thi: ……………………………………………………………

Ngày, tháng, năm sinh: …………………………………………………………….

Trình độ chuyên môn:………………………………………………………………

PHẦN I: PHẦN THI TRẮC NGHIỆM (2,5 điểm; mỗi câu đúng 0,25 đ)

Hãy chọn và khoanh tròn vào câu trả lời đúng nhất:

Câu 1: Trong điều lệ trường mầm non qui định các hành vi giáo viên mầm non không được làm:

a. Xuyên tạc nội dung giáo dục, đối xử không công bằng với trẻ em, bớt xén phần ăn của trẻ.

b. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp, bỏ giờ, bỏ buổi, tùy tiện cắt xén nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục, ép buộc trẻ học thêm để thu tiền.

c. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp, xuyên tạc nội dung giáo dục, bỏ giờ, bỏ buổi, tùy tiện cắt xén chương trình. Đối xử không công bằng với trẻ em, ép buộc trẻ học thêm để thu tiền, bớt xén khẩu phần ăn của trẻ. Làm việc riêng khi đang thực hiện các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ.

Câu 2. Những phương pháp nào dưới đây phát huy mạnh hơn tính tích cực nhận thức của trẻ.

a. Vấn đáp, tìm tòi, khám phá.

b. Thuyết minh – giải thích, minh họa.

c. Làm thí nghiệm – giải thích, minh họa.

d. Trẻ thực hành, quan sát, tìm tòi.

Câu 3: Trọng tâm đổi mới phương pháp dạy học hiện nay là:

a. Tăng cường thực hành vận dụng kiến thức.

b. Phát huy tính tích cực của trẻ.

c. Dạy kiến thức cơ bản, vững chắc.

Câu 4: Nội dung giáo dục trẻ nhà trẻ lĩnh vực phát triển thể chất phần phát triển vận động có mấy nội dung?

a. Tập làm quen với một số việc tự phục vụ, giữ gìn sức khỏe. Tập các vận động cơ bản và phát triển tố chất vận động ban đầu. Tập động tác phát triển các nhóm cơ và hô hấp. Tập các cử động của bàn tay, ngón tay phối hợp tay mắt.

b. Tập các vận động cơ bản và phát triển tố chất vận động ban đầu. Tập động tác phát triển các nhóm cơ và hô hấp. Tập các cử động của bàn tay, ngón tay phối hợp với tay – mắt.

c. Tập các vận động cơ bản và phát triển tố chất vận động ban đầu. Tập luyện nền nếp, thói quen tốt trong sinh hoạt. Tập động tác phát triển các nhóm cơ hô hấp. Tập các cử động của bàn tay ngón tay và phối hợp tay – mắt.

d. Tập các vận động cơ bản và phát triển tố chất vận động ban đầu. Tập luyện nề nếp, thói quen tốt trong sinh hoạt. Tập động tác phát triển các nhóm cơ hô hấp. Tập các cử động của bàn tay ngón tay và phối hợp tay – mắt. Nhận biết và tránh một số nguy cơ không an toàn.

Câu 5: Biểu hiện của bệnh tay chân miệng:

a) Trẻ có biểu hiện loét miệng và nổi sần ở lòng bàn chân, bàn tay.

b)Trẻ khó ngủ, giật mình quấy khóc là do bị đau miệng.

c)Trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhẹ có thể cho đi học.

d) Trẻ mắc bệnh điển hình sẽ có biểu hiện loét miệng đơn thuần, đi kèm nổi sần ở lòng bàn tay, bàn chân, trẻ chỉ giật mình chới với có thể biến chứng viêm não, màng não, trẻ mắc bệnh cho trẻ ở nhà theo dõi và chăm sóc.

Câu 6: Khi lồng ghép nội dung GDBVMT vào các chủ đề cần đảm bảo:

a. Nội dung GDBVMT có thể xuyên suốt, không cứng nhắc mà linh hoạt, từ nội dung của chủ đề này có thể đem sang chủ đề khác. Có thể mở rộng kiến thức GDBVMT của từng lứa tuổi phù hợp sự hiểu biết của trẻ.

b. Nội dung GDBVMT có thể xuyên suốt, không cứng nhắc mà linh hoạt, từ nội dung chủ đề này có thể đem sang chủ đề khác.

c. Cung cấp cho trẻ những hiểu biết ban đầu về môi trường sống của con người. Hình thành cho trẻ một số hành vi, thái độ ứng xử phù hợp để giữ gìn và bảo vệ môi trường.

d. Cả 2 ý b và c.

Câu 7: Nguyên tắc tích hợp nội dung các chuyên đề vào các hoạt động giáo dục trẻ?

a. Nội dung trong các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ hằng ngày.

b. Nội dung đầu vào có hệ thống, phù hợp thực tế, phù hợp đặc trưng của hoạt động, không làm thay đổi nội dung và mục tiêu của hoạt động chính, đảm bảo tự nhiên, nhẹ nhàng, tránh không gây nặng nề, quá tải.

c. Các nội dung giáo dục phải gần gũi với trẻ, phù hợp đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi.

d. Tất cả các ý trên.

Câu 8: Thế nào là tự tin ở trẻ mẫu giáo?

a. Tự tin là mạnh dạn, không sợ nói trước đông người. Tự tin là dám làm điều mình nghĩ.

b. Tự tin là bày tỏ cảm xúc của mình với người khác mà không e ngại.

c. Tự tin là trẻ nói mạch lạc khi trình bày suy nghĩ của mình, không e dè, sợ sệt trước đám đông.

d. Cả 3 ý trên đều đúng.

Câu 9: Thông tư sửa đổi bổ sung một số nội dung của chương trình giáo dục mầm non hành kèm thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009 của Bộ giáo dục và đào tạo là thông tư nào

a. Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT, ngày 26 tháng 11 năm 2016

b. Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT, ngày 30 tháng 12 năm 2016

c. Thông tư số 01/2017/TT-BGDĐT, ngày 22 tháng 01 năm 2017

Câu 10: Khi xây dựng các góc hoạt động ta căn cứ vào phương án nào?

a. Diện tích phòng học và đồ dùng học liệu.

b. Nội dung cụ thể từng chủ đề

c. Độ tuổi và số trẻ trong lớp.

d. Tất cả các phương án trên.

PHẦN II: PHẦN THI TỰ LUẬN (6.5 điểm) (01 điểm trình bày)

Câu 1: Đồng chí hãy nêu các góc hoạt động ở nhóm/lớp đồng chí phụ trách? Đ/c chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu gì khi tổ chức cho trẻ hoạt động ở các góc? Đ/c đã hướng dẫn trẻ chơi như thế nào? (4.5 điểm)

Câu 2: Ở lớp mẫu giáo bé, hoạt động chơi ngoài trời, cô tổ chức cho trẻ chơi với cát, nước. Khi thời gian đã hết, cô yêu cầu trẻ đi rửa tay, chân để chuyển hoạt động khác. Cháu Tuấn nhất định không nghe, cứ tiếp tục bốc cát. Hãy giải thích hiện tượng trên. Nếu là giáo viên tổ chức hoạt động đó, đ/c sẽ xử lí như thế nào? (2 đ)

Đáp án Đề thi giáo viên giỏi cấp trường

I. PHẦN THI TRẮC NGHIỆM

Câu 1: c

Câu 2: d

Câu 3: b

Câu 4: a

Câu 5: d

Câu 6: a

Câu 7: d

Câu 8: d

Câu 9: b

Câu 10: d

II. PHẦN THI TỰ LUẬN

Câu 1:

Các góc hoạt động ở nhóm/lớp đồng chí phụ trách (0,5đ)

Đối với MG:

Có 5 góc chính (phân vai; xây dựng; học tập; nghệ thuật, khám phá (thiên nhiên và khoa học))

Đối với NT:

Có 3 góc chính (Phân vai; hoạt động với đồ vật và chơi xếp hình lắp ráp xây dựng; nghệ thuật)

Chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu: (1 đ)

Đối với MG

+ Góc phân vai: Cần bố trí diện tích rộng để có thể chia thành môt số góc nhỏ: cửa hàng siêu thị/ cửa hàng rau quả, phòng khám, cửa hàng ăn uống, giải khát… Các nguyên vật liệu, đồ chơi phục vụ sinh hoạt trong cuộc sống gia đình trẻ như: Đồ chơi nấu ăn, đồ chơi gia đình, búp bê bé trai, búp bê bé gái, nội thất trong gia đình, các mặt hàng ở cửa hàng (được lựa chọn phù hợp chủ đề) VD: “Chủ đề thực vật” (xây dựng cửa hàng bán các loại rau, hoa quả, các loại hạt giống để gieo trồng…); “Chủ đề ngành nghề” như: cửa hàng bán các loại dụng cụ phục vụ cho các ngành nghề như: làm nông nghiệp, trồng rừng, xây dựng … cửa hàng thuốc tây, thuốc bắc, thuốc nam…; Lựa chọn các loại đồ chơi được thiết kế có từ thực tiễn, các đồ dùng dụng cụ sinh hoạt của con người trong cuộc sống hằng ngày để phát triển các góc chơi đóng vai phù hợp với văn hóa, ngành nghề ở địa phương như: (trồng rừng, chăn nuôi, làm nông, thợ may, thợ mộc, thợ xây, xưởng làm bánh cu đơ, làm nón lá, làm bánh gai, …)

+ Góc xây dựng: Các loại đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu: Thu thập và đầu tư các nguyên vật liệu, đồ chơi để trẻ tham gia chơi các công trình xây dựng, các nguyên liệu lựa chọn phong phú, đa dạng: Bằng nhựa, bằng gỗ, bằng tre, trúc, bằng thảm …có kích thước khác nhau, khối, hình to, nhỏ, bộ xếp hình xây dựng đầy đủ các chi tiết; các phương tiện giao thông, các loại cỏ cây hoa lá, các động vật nuôi trong gia đình, động vật sống trên rừng, dưới biển … được lựa chọn bằng nhiều chất liệu và kích thước khác nhau.

+ Góc học tập:

Góc làm quen với toán : Các loại đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu: Hình học phẳng, khối, hột hạt, các bức tranh, đôminô, lô tô lắp ghép theo chủ đề, các con số, bảng dạ, bảng gài, bộ xâu chuỗi, buộc dây, đan, xếp lồng vào nhau, tranh nối hình, cặp, bút, thước, nút chai, nắp hộp, cúc áo, chìa khoá, vỏ sò, ốc, hến, sỏi đá, các đồ dùng đồ chơi có kích thước, thể loại, màu sắc, số lượng và các nguyên vật liệu khác nhau để trẻ hoạt động tư duy như: Nhận biết, so sánh sự khác nhau về màu sắc, chất liệu, kích thước to – nhỏ, cao – thấp, dài – ngắn, nhiều-ít., khác nhau về số liệu, hình khối … khác nhau của từng loại, từng nhóm.

Góc sách: Bố trí các loại sách, những bộ sưu tập (các con vật, các loại cây, lá, các loại hạt, hoa, quả, các loại đồ chơi…), tạp chí, sách, truyện tranh, họa báo, bộ tranh kể chuyện theo chủ đề, các con rối, băng dính vải, tẩy, bút xoá, kéo.….được bày trên giá.

+ Góc nghệ thuật:

Âm nhạc:

Sưu tầm các băng hình, băng nhạc da dạng, trong đó có nội dung về dân ca địa phương, tổ chức các trò chơi dân gian,…

Đồ dùng, đồ chơi âm nhạc (xúc xắc, đàn, trống con, trống lắc, phách gõ, xắc xô…)

Đồ dùng, đồ chơi để múa (Quạt múa, mũ múa, mặt nạ, con rối, áo váy múa, vòng múa, khăn, dải lụa, nơ, hoa …)

Góc tạo hình: Bột màu, thuốc vẽ nhiều màu, giấy khổ rộng, khay đựng màu, bút lông cán dày; bút vẽ, giấy A4, bút chì màu các loại, bút chì mềm, bút sáp, phấn không độc, bảng….; đồ dùng để in; cắt, dán (kéo, hồ, giấy màu, bìa, hộp phế liệu, vải vụn, vật liệu thiên nhiên (lá cây, hến, ốc, rơm, các loại hạt, rỗ đựng đồ cắt); tranh ảnh, báo tạp chí cho trẻ tập cắt, dán để phục vụ chủ đề; đồ dùng để nặn.

Góc khám phá (thiên nhiên, khoa học)

* Những cây cảnh, các loại hạt giống được ươm mầm, có chậu để gieo hạt, lọ nước để cho trẻ quan sát rễ cây, một số cây cảnh, cây rau quen thuộc, bể cá cảnh, thức ăn của cá, bình tưới nước…để trẻ được chăm sóc và quan sát sự lớn lên, thay đổi của chúng và thực hành chăm sóc cây cối.

* Kê các bàn, giá kệ để trưng bày các loại quả cân, các loại cân, nam châm, các hình học bằng nhựa, bìa cứng với các màu sắc khác nhau: hình tròn, hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, bộ chữ số, lô tô về số lượng, lô tô các con vật, các loại rau, củ, quả, phương tiện giao thông để chơi phân loại, đếm, so sánh số lượng, thử nghiệm cân bằng về trọng lượng, tìm hiểu về tính chất của nam châm…

* Chơi với cát, nước với những đồ chơi thích hợp như: rổ, đĩa, bát nhựa, các loại ca, cốc, chai, lọ có kích cỡ khác nhau, thìa, các loại vỏ trai ốc, phễu, hố cát, chậu nước, một số đồ vật có thể nổi, chìm trong nước, bể cá, đồ chơi thổi bong bóng, một số đồ dùng khuyến khích trẻ làm thí nghiệm nhuộm màu nước, nhận biết một số tính chất về nước, các khuôn in, đóng để trẻ chơi cát nước

(Lưu ý: Xây dựng góc cần quan tâm đến vật thật như: bể nuôi cá, lồng nuôi chim các cây xanh, cây hoa thật, gieo hạt nảy mầm các loại cây ngắn ngày… tuy nhiên có những loại có thể làm từ nhựa, từ nguyên vật liệu thiên nhiên khác nhau như: Các cây quả, các con vật sống trên rừng, dưới biển, một số con vật nuôi trong gia đình…)

Đối với NT:

Góc phân vai

– Chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi ở các góc: Bố trí giá, kệ đựng đồ vật, đồ chơi sát tường. Đồ chơi mang tính mở, phù hợp với chủ đề, gợi ý thực hiện các thao tác vai thích hợp với kinh nghiệm của trẻ.Tận dụng các đồ dùng đã qua sử dụng được làm sạch, đảm bảo vệ sinh để làm đồ chơi như quần áo và một số đồ dùng trong gia đình (điện thoại, bàn, nồi, bát, thìa nhựa, chai sữa, vỏ hộp, vỏ hộp bìa các tông làm giường…

Góc hoạt động với đồ vật và chơi xếp hình lắp ráp xây dựng

– Các loại đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu: Đồ chơi đa dạng về chủng loại, các con vật, hình khối, các hộp chơi lắp, ráp, xếp hình, các khối (bằng gỗ, xốp, nhựa) nhẹ với các kích cỡ, màu sắc, hình dạng, vật liệu khác nhau phù hợp với độ tuổi nhằm cung cấp cho sử dụng các thao tác của ngón tay, bàn tay và phát triển các giác quan của trẻ.

Góc nghệ thuật

+ Các loại đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu:

*Tạo hình: Đất nặn đã làm mềm, bột màu nước các loại, sáp vẽ, cọ vẽ, bút màu, phấn, bảng con, dấu in, khăn ướt lau tay…và một số vật liệu thiên nhiên như quả, hoa, lá cây.

*Âm nhạc: Các dụng cụ âm nhạc, xắc xô, băng đĩa, máy ghi âm, trang phục biểu diễn….

* Truyện tranh: Lựa chọn một số sách tranh truyện về các con vật, cây cối, truyện cổ tích phù hợp với độ tuổi và bố trí trên các giá. Nên có sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung sách, tranh truyện phù hợp với nội dung giáo dục theo chủ đề để thu hút hứng thú của trẻ.

Cách hướng dẫn trẻ chơi (3 đ)

Tùy theo kinh nghiệm của trẻ và yêu cầu triển khai của chủ đề, vào đầu năm học cô có thể tổ chức triển khai 4 khu vực đối với MG và 2 khu vực đối với trẻ Nhà trẻ. Khi thiết kế góc chơi mới hoặc thay đổi góc chơi cô giáo cần tạo tình huống cho trẻ làm quen với các góc chơi, gợi ý hỏi trẻ về các loại đồ chơi, các nội dung có thể chơi ở các góc và trẻ nhận biết tên của góc đó, biết lấy đồ chơi, học liệu và biết cất đúng nơi quy định (cô gơi ý hỏi trẻ phát hiện ra góc chơi, tên góc sau đó cô nhắc lại làm chính xác hoá để trẻ được rõ hơn). Khi trẻ đã quen thuộc không cần phải giới thiệu các góc.

Bước 1: Tạo cảm xúc (1 đ)

Giáo viên đưa ra các tình huống thu hút sự chú ý và suy nghĩ của trẻ để trẻ đến với hoạt động góc theo nhu cầu cần thiết và hết sức tự nhiên.

– Cô gợi ý, trò chuyện với trẻ về góc chính (đối với trẻ MG)( Riêng trẻ NT trò chuyện về chủ đề sau đó giới thiệu các góc chơi) các góc kết hợp , cô gợi ý hướng dẫn trẻ thỏa thuận các vai trước khi chơi, trẻ tự chọn góc chơi.

– Trẻ về góc hoạt động

Bước 2: Trẻ hoạt động (1,5đ)

– Trong quá trình tổ chức hoạt động giáo viên không nên can thiệp vào hoạt động của trẻ, để trẻ tạo ra sản phẩm theo ý tưởng của mình ở các góc chơi mà trẻ lựa chọn (nếu trong trường hợp trẻ không làm được, giáo viên có thể gợi ý cho trẻ)

– Đánh giá các góc chơi: ngay trong quá quá trình chơi (Giáo viên đi nhận xét từng góc kết hợp sau đó mới về góc chính)

Bước 3: Kết thúc (0,5đ)

Hướng dẫn trẻ lưu lại ở góc một số sản phẩm trẻ tạo ra trong quá trình hoạt động, cô giáo có thể dùng sản phẩm của trẻ để xây dựng môi trường giáo dục trong nhóm, lớp và ngoài lớp.

Câu 2: Cách xử lí:

+ Giải thích: (1đ)

Biểu hiện tính bướng bỉnh của tuổi lên ba. Ở tuổi này là lúc cái tôi xuất hiện. Trẻ đang tự muốn khẳng định mình. Đặc biệt là trẻ rất thích chơi với cát, nước, đất và ít có cơ hội được chơi nên khi cô yêu cầu trẻ vệ sinh trẻ làm ngược lại yêu cầu của cô.

Cách giải quyết: (1đ)

– Cô nhẹ nhàng giải thích cho trẻ hiểu thời gian chơi đã hết và gợi ý cho trẻ hoạt động tiếp theo có nhiều đồ chơi, trò chơi rất hay (cô lấy ví dụ trò chơi có ở hoạt động tiếp theo (hoạt động góc)

– Thông báo cho trẻ biết kế hoạch của buổi hoạt động ngoài trời trong tuần (tháng) và cho biết lúc đó nếu cháu thích chơi thì cháu sẽ chơi tiếp (nếu có nội dung chơi này).

– Nếu cháu vẫn không chịu cô cho trẻ chơi thêm và giao hẹn với cháu khi cô rửa tay, chân xong cho bạn cuối cùng thì đến lượt cháu và cô cháu mình cùng thi rửa tay, chân xem ai rửa sạch hơn…

Đề thi - Tags: ,