Đề thi HSG môn Ngữ Văn 9 tỉnh Bắc Ninh 2016-2017 có đáp án

Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 THCS môn thi Ngữ Văn, sở giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Ninh năm học 2016-2017. Thời gian làm bài 150 phút. Có đáp án.

Câu 1 (4,0 điểm)

Hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của hai biện pháp tu từ tiêu biểu trong đoạn thơ sau:

Trăng ơi…từ đâu đến?

Hay từ cánh rừng xa

Trăng hồng như quả chín

Lửng lơ lên trước nhà

Trăng ơi…từ đâu đến?

Hay biển xanh diệu kỳ

Trăng tròn như mắt cá

Chẳng bao giờ chớp mi

Trăng ơi…từ đâu đến?

Hay từ một sân chơi

Trăng bay như quả bóng

Bạn nào đá lên trời…

(Trăng ơi…từ đâu đến, Trần Đăng Khoa)

Câu 2 (6,0 điểm)

“Những giọt sương lặn vào lá cỏ

Qua nắng gắt, qua bão tố

Vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh

Vẫn long lanh, bình thản trước vầng dương…”

                                      (Thanh Thảo – Sự bùng nổ của mùa xuân)

Suy nghĩ của em về bức thông điệp đời sống rút ra từ văn bản trên.

Câu 3 (10,0 điểm)

Cùng viết về tình cha con nhưng hai tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao và Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng lại có những khám phá sáng tạo riêng, độc đáo.

Bằng cảm nhận về tình cha con trong hai tác phẩm, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 tỉnh Bắc Ninh năm 2016-2017

Câu 1 (4,0 điểm)

– Đoạn thơ trên sử dụng biện pháp tu từ điệp từ: “hay…”, điệp cấu trúc câu: “Trăng ơi…từ đâu đến“. (1,0 điểm)

Tác dụng của biện pháp điệp: Mang đến âm hưởng nhịp nhàng, tạo chất nhạc cho thơ. Việc lặp lại ba lần câu hỏi: “Trăng ơi…từ đâu đến?” thể hiện niềm khao khát khám phá, tìm hiểu tự nhiên của trẻ thơ. (1,0 điểm)

– Biện pháp tu từ so sánh: “Trăng hồng như quả chín“; “Trăng tròn như mắt cá”; “Trăng bay như quả bóng“. (1,0 điểm)

Tác dụng của biện pháp so sánh: Nhà thơ so sánh trăng với những sự vật gần gũi trong thiên nhiên, đời sống con người, khi là “quả chín“, khi là “mắt cá“, “quả bóng“. Mỗi hình ảnh so sánh đó đều bộc lộ khả năng liên tưởng phong phú, sự tinh tế trong quan sát, sự hồn nhiên trong sáng của tâm hồn trẻ thơ. (1,0 điểm)

Câu 2 (6,0 điểm)

A. Về kĩ năng

Biết cách làm bài nghị luận xã hội vấn đề rút ra từ một đoạn trích, hệ thống luận điểm sáng rõ, lập luận chặt chẽ, lời văn truyền cảm… Người viết cần vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, các phương thức biểu đạt nhằm tạo sự sinh động, hấp dẫn cho bài văn.

B. Về kiến thức

Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần nêu được những ý chính sau đây:

1. Phân tích khái quát đoạn thơ, rút ra vấn đề cần bàn luận:

Hình ảnh giọt sương lặn vào lá cỏ: biểu tượng cho cái đẹp bình dị, khiêm nhường của đời sống quanh ta.

Nắng gắt, bão tố: ẩn dụ để chỉ những khó khăn, thử thách của cuộc đời.

– Vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh

Vẫn long lanh, bình thản trước vầng dương

Cấu trúc: Qua…vẫn…vẫn: nhấn mạnh vẻ đẹp vững bền, bất biến của những giọt sương qua bao khắc nghiệt của tự nhiên, bao thăng trầm của đời sống.

=> Từ một hiện tượng trong thiên nhiên, Thanh Thảo gợi mở cho ta nhiều suy ngẫm về con người, cuộc sống:

Sức sống bền bỉ, mãnh liệt của thiên nhiên, và cũng chính là sức sống bền bỉ, mãnh liệt của con người trước sóng gió cuộc đời.

Cách nhìn nhận, khám phá cái đẹp của đời sống: Đời sống vẫn luôn tiềm ẩn những vẻ đẹp kì diệu. Có những sự vật bề ngoài tưởng chừng mong manh, những con người thoạt nhìn rất nhỏ bé, khiêm nhường (như giọt sương, lá cỏ) nhưng lại ẩn chứa một sức mạnh lớn lao, một vẻ đẹp kì diệu (Vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh, Vẫn long lanh, bình thản trước vầng dương).

2. Bàn luận:

– Giữa vô vàn khó khăn, khốc liệt của hoàn cảnh, cái đẹp vẫn đơm hoa, sự sống vẫn nảy mầm. Giữa cuộc đời đầy chông gai, sóng gió, có những con người bình thường nhưng vẫn tiềm ẩn sức sống phi thường, đầy bản lĩnh, nghị lực. (Nêu dẫn chứng…)

– Mặt khác, chính hoàn cảnh khó khăn, thử thách lại là “thuốc thử” để con người nhận ra chính mình.

– Cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ, luôn ẩn chứa vẻ đẹp bình dị mà thanh cao, những con người khiêm nhường mà vĩ đại. Muốn nhận ra những vẻ đẹp đó, điều cốt yếu nhất là chúng ta cần phải có tấm lòng biết yêu cái đẹp, trân trọng cái đẹp- dù là nhỏ bé nhất.

– Phê phán những con người thiếu ý chí, nghị lực, niềm tin…

3. Bài học:

– Trong mọi hoàn cảnh, dù vất vả, gian nan, con người cần có bản lĩnh, nghị lực vươn lên để sống một cuộc sống có ý nghĩa.

– Biết cách nhìn nhận, khám phá, trân trọng cái đẹp của đời sống, con người.

(Thí sinh có thể chọn một trong hai thông điệp rút ra từ đoạn trích để bàn luận. Bài viết có thể có những suy nghĩ, lí giải khác với đáp án nhưng cần hợp lí, chặt chẽ, thuyết phục).

4. Biểu điểm:

– Điểm 5 – 6: Có hiểu biết phong phú về đời sống, kiến thức vững vàng, kĩ năng nghị luận tốt. Hành văn trong sáng, có cảm xúc.

– Điểm 3 – 4: Hiểu đề, đáp ứng được khoảng ½ yêu cầu trên, còn một số lỗi về diễn đạt, chính tả.

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, bài viết mắc nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề.

Giám khảo có thể chấm theo ý – điểm nội dung kết hợp với hình thức.

Ý 1: 1,5 điểm

Ý 2: 3,5 điểm

Ý 3: 1,0 điểm

Câu 3 (10,0 điểm)

Cùng viết về tình cha con nhưng hai tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao và Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng lại có những khám phá sáng tạo riêng, độc đáo.

Bằng cảm nhận về tình cha con trong hai tác phẩm, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

A. Yêu cầu về kĩ năng: Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học, có năng lực cảm thụ, phân tích, so sánh tốt, kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận. Bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

B. Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể triển khai bài viết theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

1. Giới thiệu khái quát

– Dẫn dắt vấn đề: Có thể đi từ tình cha con trong văn học.

– Nêu vấn đề: Cùng viết về tình cha con nhưng hai tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao và Chiếc lược ngà  của Nguyễn Quang Sáng lại có những khám phá sáng tạo riêng, độc đáo.

2. Cảm nhận về tình cha con qua hai tác phẩm

2.1. Tình cha con trong “Lão Hạc”

– Giới thiệu khái quát về nhân vật lão Hạc.

– Tình thương của lão Hạc dành cho con bộc lộ qua nhiều chi tiết:

+ Lão luôn day dứt vì không có tiền cưới vợ cho con. Bao tình thương yêu, lão gửi gắm qua con chó Vàng- kỉ vật duy nhất còn lại của đứa con. Cách lão gọi “cậu Vàng”, cách lão chăm sóc, trò chuyện, cưng nựng…con chó Vàng, nỗi đau đớn khi lão phải bán đi con chó cho ta thấy rõ điều đó.

+ Ở nhà, tuy sức tàn lực kiệt nhưng lão vẫn cố gắng bòn vườn, tích cóp tiền cho con về cưới vợ và có chút vốn làm ăn. Lão thà  chịu đói khổ chứ nhất quyết không tiêu vào số tiền dành dụm của con.

+ Lão thà chết chứ nhất định không chịu bán mảnh vườn của con.

=> Lão Hạc là một người cha rất mực thương con, hết lòng vì con.

2.2. Tình cha con trong “Chiếc lược ngà”

– Giới thiệu khái quát về nhân vật ông Sáu, bé Thu

– Biểu hiện tình cha con của ông Sáu:

+ Khi ở chiến trường, ông Sáu mong mỏi đến cháy lòng được gặp con.

+ Khi mới gặp lại con, ông vô cùng xúc động (chú ý phân tích những chi tiết về hành động, ngoại hình, tâm trạng…).

+ Cố tìm cách gần gũi, làm thân, chăm sóc con trong những ngày nghỉ phép mà không được, ông Sáu vô cùng khổ tâm, day dứt.

+ Khi con cất tiếng gọi ba, ông Sáu xúc động rơi nước mắt. Người cha ấy đã mang vào chiến trường một mong ước giản dị của con: “Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba”.

+ Ở chiến trường, ông dồn hết tâm huyết để làm cho con một cây lược. Khi kiếm được khúc ngà, mặt ông “hớn hở như đứa trẻ được quà”, những lúc rỗi, ông “ngồi cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và khổ công như người thợ bạc”. Khi chiếc lược đã hoàn thành, ông tỉ mẩn gò công khắc từng nét chữ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Nâng niu, trân trọng như một vật báu, ông thường xuyên “lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng mượt”. Có thể nói, lòng yêu con đã biến người chiến sĩ thành một nghệ nhân sáng tạo ra  một tác phẩm thiêng liêng, cao quý. Cây lược ngà đã kết tinh trong nó tình phụ tử mộc mạc mà đằm thắm, đơn sơ mà thật kì diệu.

+ Kỉ vật thiêng liêng chưa kịp trao thì ông Sáu đã hi sinh. Tàn lực cuối cùng ông dồn lên đôi mắt và đưa tay vào túi, móc cây lược ra đưa cho người bạn chiến đấu thân thiết nhất, như muốn nói, như muốn chuyển giao sự sống, chuyển giao ước nguyện cuối cùng của người cha cho người đồng chí: hãy tiếp tục làm tròn bổn phận của một người cha, hãy gìn giữ mãi tình cha con ruột thịt. Ông Sáu đã hi sinh, nhưng tình cha con không bao giờ chết. Chiến tranh khốc liệt có thể cướp đi sinh mạng, nhưng không thể cướp đi tình cha con cao quý, sâu nặng. Nó sẽ sống mãi trong chiếc lược ngà mà ông đã kì công làm cho con.

– Tình cha con của bé Thu:

+ Đằng sau sự bướng bỉnh, cương quyết không nhận cha của bé Thu ẩn chứa một tình yêu cha tha thiết, một niềm kiêu hãnh rất đỗi trẻ thơ: tin rằng cha của em rất đẹp. Em chỉ yêu cha khi tin chắc đó là cha của mình.

+ Tâm trạng ân hận của em khi biết rõ sự thật qua lời kể của bà ngoại.

+ Đỉnh cao của tình cha con là buổi sáng tiễn đưa ông Sáu lên đường (chú ý phân tích những chi tiết về vẻ ngoài, hành động, tiếng thét xé lòng…của bé Thu).

3. Điểm gặp gỡ và sự sáng tạo trong cách thể hiện tình cha con của hai tác phẩm

3.1. Điểm gặp gỡ

– Hai người cha, hai thời đại, hai cảnh ngộ khác nhau nhưng họ có chung một phẩm chất: yêu thương con nhất mực. Lão Hạc quyên sinh để dành lại mảnh vườn cho con. Ông Sáu dồn tình yêu thương vào việc làm chiếc lược ngà. Cả hai nhân vật đều là biểu tượng sáng ngời cho tình phụ tử sâu nặng: dành cho con tất cả, thậm chí sẵn sàng hi sinh tất thảy vì con.

– Để khắc họa tình cha con, cả hai tác phẩm đều xây dựng được những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, tình huống truyện độc đáo, miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế.

3.2. Điểm độc đáo, sáng tạo

– Ở “Lão Hạc”, Nam Cao khám phá tình cha con của người nông dân Bắc Bộ trước Cách mạng tháng 8 trước thử thách khốc liệt của cái đói và miếng ăn, của cảnh ngộ khốn cùng, qua đó, tác giả thể hiện niềm tin bất diệt vào vẻ đẹp, bản chất lương thiện của họ.

Ở “Chiếc lược ngà”, Nguyễn Quang Sáng khắc sâu chủ đề về tình cha con của người chiến sĩ cách mạng miền Nam trong thử thách khốc liệt của chiến tranh trên cả hai phương diện: tình cha với con và ngược lại, từ đó cho người đọc thấy những nỗi đau tột cùng mà chiến tranh gây ra cho cuộc sống con người.

– Cùng viết về tình cha con nhưng ở “Lão Hạc”, Nam Cao chọn nhân vật tôi – ông giáo là người trần thuật lại câu chuyện. Nhân vật tôi mang hình bóng cái tôi của tác giả đã đi từ dửng dưng, nghi ngờ đến ngạc nhiên, thấu hiểu. Có lúc, tác giả còn xen vào những lời bình luận trữ tình ngoại đề. Giọng điệu trần thuật của tác phẩm , do đó, cũng mang tính chất đa thanh: vừa dửng dưng lạnh lùng, vừa đằm thắm yêu thương, vừa xót xa bi phẫn… Hành trình nhận thức của nhân vật tôi cũng chính là hành trình mà người đọc khám phá những vẻ đẹp nhân cách cao cả của lão Hạc.

Trong khi đó, ở “Chiếc lược ngà”, Nguyễn Quang Sáng để nhân vật tôi là người bạn chiến đấu lâu năm với ông Sáu kể lại câu chuyện cảm động về tình cha con. Do đó, câu chuyện được kể lại bằng giọng điệu thân mật, dân dã, thể hiện sự cảm thông, thấu hiểu của tình bạn, tình đồng chí, giàu tính nhân văn.

– Truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng thấm đẫm chất Nam Bộ. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật rất tinh tế, đặc biệt là tâm lí của trẻ thơ. Truyện của Nam Cao giàu chất trữ tình và triết lí.

4. Đánh giá chung

– Cùng viết về tình cha con nhưng hai tác phẩm có những sáng tạo độc đáo trên là do: bản chất của văn học (phải không ngừng sáng tạo), do sự khác biệt của thời đại, mục đích sáng tác, đặc điểm sáng tác của hai tác giả.

– Ý nghĩa của sự tương đồng và khác biệt trong việc thể hiện tình cha con ở hai tác phẩm:

+ Sự tương đồng: góp phần làm nên chất nhân bản, nhân văn của văn học.

+ Sự khác biệt làm nên vẻ đẹp phong phú, đa dạng của văn học.

– Thành công của hai tác phẩm là xây dựng được hình tượng những người cha mẫu mực. Trong tình cảnh éo le, tình cha con càng thắm thiết, sâu nặng, để lại trong lòng người đọc những xúc động sâu xa, những giá trị nhân bản đẹp đẽ, thiêng liêng.

– Bài học cho người sáng tác và tiếp nhận.

C. Biểu điểm.

– Điểm 9 – 10: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc, chính xác, có sức thuyết phục, có thể mắc một vài sai sót không đáng kể.

– Điểm 7 – 8: Đáp ứng phần lớn những yêu cầu trên, lập luận tương đối chặt chẽ, dẫn chứng chọn lọc, chính xác. Có thể mắc những lỗi nhỏ.

– Điểm 5 – 6: Tương đối đủ các ý lớn tuy còn sơ sài, biết chọn và phân tích dẫn chứng, còn mắc một số lỗi.

– Điểm 3 – 4: Chưa thật hiểu yêu cầu của đề, nội dung sơ sài.

– Điểm 1 – 2: Hiểu sai đề, diễn đạt yếu.

Giám khảo có thể chấm theo ý – điểm nội dung kết hợp với hình thức.

Ý 1: 1,0 điểm.

Ý 2.1: 3,0 điểm.

Ý 2.2: 3,0 điểm.

Ý 3.1: 1,0 điểm.

Ý 3.2: 1,0 điểm.

Ý 4: 1,0 điểm.

Đề thi - Tags: , ,