Gợi ý đáp án đề thi minh họa THPT quốc gia năm 2018 môn Ngữ Văn

Đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 môn thi Ngữ Văn của Bộ giáo dục và đào tạo. Thời gian làm bài:120 phút, không kể thời gian phát đề. Có gợi ý đáp án bên dưới.

Trung tâm Gia sư Hà Nội chia sẻ đề thi thử tham khảo môn Ngữ Văn THPT quốc gia năm 2018 và đáp án.

Đề thi minh họa THPT quốc gia năm 2018 môn Ngữ Văn:

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm. Vì thế, hãy chấp nhận điều đó như một lẽ tự nhiên. Khi trẻ học nói, học đi hay bất cứ điều gì, chúng đều phải nếm trải những va vấp. Chúng ta cũng vậy, có thể đằng sau những tư tưởng vừa lĩnh hội, hoặc sau sự chín chắn rèn giũa được là một thất bại, hay một bước lùi nào đó. Tuy nhiên, đừng đánh đồng những sai lầm ấy với việc ta không thể trưởng thành. Hãy hiểu rằng, như một lẽ tự nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần và hãy tin tưởng rằng mọi trải nghiệm đều đem lại cho ta những bài học quý giá nếu ta biết trân trọng nó.

Chính vì vậy, đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự. Dĩ nhiên, để đạt được điều mình mong muốn, ta phải không ngừng nỗ lực. Nhưng đừng yêu cầu cuộc đời phải viên mãn thì ta mới hài lòng và cũng đừng đòi hỏi mọi mối quan hệ phải hoàn hảo thì ta mới nâng niu trân trọng. Hoàn hảo là một điều không tưởng. Trên đời, chẳng có gì là hoàn thiện, hoàn mĩ cả. […]

Khi kiếm tìm sự hoàn hảo, người ta dễ trở nên hà khắc, hay phán xét bản thân và mọi người. Bởi vậy, trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có.

(Theo Quên hôm qua sống cho ngày mai – Tian Dayton, Ph. D, biên dịch:

Thu Trang – Minh Tươi, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2014, tr.68 – 69)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Theo tác giả, vì sao đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự?

Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: như một lẽ tự nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần?

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có? Vì sao?

II.  LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chi ̣hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống.

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo duc Vị êt Nam, 2016). Ṭ ừ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo duc Vị êt Nam, 2016) đ̣ ể nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người.


Gợi ý Đáp án đề thi minh họa môn Ngữ Văn THPT quốc gia năm 2018

Câu 1: phương thức biểu đạt chính của văn bản : Nghị Luận

Câu 2: theo tác giả, chúng ta không nên sống quá cầu toàn bởi, đằng sau một bước tiến xa lại là một bước lùi gần, và đằng sau những thành công luôn có những thất bại. Thành công và thất bại đều là những trải nghiệm sẽ đem cho chúng ta những bài học quý báu.

Câu 3: “trước một bước tiến xa , luôn có một bước lùi gần”, câu này có thể hiểu giống như “Thất bại là mẹ thành công” , khi chúng ta vấp ngã, đó sẽ là những trải nghiệm để ta biết rút kinh nghiệm, tránh mắc phải sai lầm.Và trưởng thành hơn và tiến gần hơn tới thành công

Câu 4: trên con đường trưởng thành của mình , mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như mình vốn có. Ta đồng tình với quan điểm trên bởi vốn dĩ cuộc sống là không công bằng. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, không có ai là giống ai, hơn nữa mỗi người lại có cá tính riêng và điểm mạnh , điểm yếu riêng. Cho nên việc đổ tại cho hoàn cảnh là điều không thể. Để trưởng thành và thành công cần phải biết chấp nhận bản thân, và chấp nhận sự thành công của người khác. Thay đổi bản thân, mỉm cười trước thất bại, sẵn sang rút kinh nghiệm, ấy mới thực sự là người trưởng thành.

⭐️Phần Nghị luận xã hội

Câu 1 : Bàn về sự trải nghiệm trong cuộc đời
?Nếu bạn không phải là một cái cây, lý gì bạn phải ở yên một chỗ?
Nếu muốn trải nghiệm, việc bạn cần làm là phải không ngừng hành động, không ngừng đặt bản thân vào thế chủ động và thế sẵn sàng, đi những vùng đất mới, thử những cái mới, làm những điều mới, học những thứ mới, quen những người bạn mới. Phải thoát ra khỏi vùng an toàn của mình càng sớm càng tốt. Đừng nói bạn không thể vì chắc chắn bạn có thể, lý do là vì tôi biết bạn không phải một cái cây. Cái cây đứng một chỗ nhận tất cả những gì nó cần: ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng nhưng bản thân nó vẫn luôn khao khát được vươn ra xa hơn. Thế nên rễ nó mới dài tủa đi khắp nơi, thế nên tán nó mới vươn rộng và cành không ngừng vươn cao để nhìn được những vùng đất xa lạ.Bạn may mắn hơn cái cây, bạn có thể tự dịch chuyển mình đi khắp chốn, thế thì tại sao lại không? Thoát khỏi vùng an toàn của mình là bước đầu tiên trong quá trình trải nghiệm. Mọi hành trình đều bắt đầu từ một bước chân. Ngay ngày mai, hãy thử làm những việc bạn chưa từng làm, dù nhỏ bé và đơn giản nhất thôi: hãy cười với một người lạ cùng tòa nhà, hãy đi một con đường khác tới công ty, hãy gọi một món ăn nghe tên thật lạ, hãy nghĩ một cách giải quyết khác cho công việc quen thuộc hàng ngày… Những thứ nhỏ bé này có thể đem đến cho bạn nhiều nguồn cảm hứng để bắt đầu những trải nghiệm khác to lớn hơn, bắt đầu hành trình lắp ghép cuộc đời mình bằng những điều mới mẻ và thú vị.

⭐️Cái giá của trải nghiệm là gì?
Cái gì trên đời cũng có giá cả, chỉ cần bạn trả đúng giá, bạn có thể mua được mọi thứ. Và tiền là cái giá rẻ nhất nếu muốn có gì đó. Còn trải nghiệm ư. Nếu bạn muốn có nó, tất nhiên không ngoại lệ, bạn cũng phải trả giá. Cái giá của trải nghiệm là ban đầu bạn sẽ cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bất an, hoài nghi và rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa. Nhưng tin vui đó chỉ là những cảm xúc ban đầu thoáng qua mà thôi. Khi đã quen với nó thì mọi cảm xúc đó đều tan biến hẳn, thay vào đó sẽ là sự hào hứng, thích thú, tò mò, vui sướng lẫn hài lòng.

Một cái giá khác nữa của trải nghiệm, đó là bạn có thể mất đi một số thứ cũ kĩ quen thuộc, nhưng đừng lo, chắc chắn bạn sẽ lại nhận thêm rất nhiều thứ khác tuyệt vời hơn. Như câu “Đừng e ngại sự thay đổi, bạn có thể mất đi một số thứ, nhưng bạn sẽ lại nhận lại những thứ khác tuyệt vời hơn!

⭐️Cái giá của trải nghiệm, là bạn sẽ phải đưa bản thân vào tâm thế sống cho chính mình, chứ không vì dư luận, vì xã hội, hay vì gia đình… không vì một cái gì hết. Chính vì thế bạn sẽ có thể bị người ta dèm pha, chê cười hay thậm chí là bị chửi mắng là ngu ngôc nữa. Và đôi khi, bạn cũng nghĩ là mình… ngu thật.
Nhưng này, đây chính là phần thưởng lớn dành cho bạn.

Yêu đời, yêu cuộc sống

Người trải nghiệm nhiều sẽ có cái nhìn về đời, về cuộc sống toàn diện và thông thoáng hơn. Họ thường nhìn ra được những thứ thật sự quan trọng với bản thân để rồi tập trung vào đó, hơn là việc phí công sức vào những thứ vô bổ phù phiếm hàng ngày. Đi đi, trải nghiệm đi, để thấy những mảnh đời bất hạnh, để nhận ra bản thân mình dù gặp nhiều rắc rối nhưng vẫn còn hạnh phúc và may mắn bao nhiêu. Những người đi nhiều trải nhiều gặp nhiều việc sẽ có cái nhìn tổng quát và bao dung hơn. Họ có xu hướng trân quý cuộc sống hơn và dễ dàng hòa nhập hơn vào mọi hoàn cảnh trên đời. Đó chính là phần thưởng. Cứ mỗi khi trải qua một chuyện ta lại thấy mình lớn hơn, già hơn, thấy cuộc đời đáng sống hơn rất nhiều.

Trải nghiệm giúp ta tìm ra kẻ mang tên “chính mình”

Hàng ngày chúng ta cứ nghe ra rả bên tai và đọc được hàng ngàn thông điệp kiểu “hãy là chính mình, hãy tìm chính mình” nhưng khoan, hãy là chính mình bằng cách nào khi ta còn đang phải mải mê tìm kiếm chính mình là gì? Thật ra chỉ có một cách thôi, một câu trả lời cho tất cả, đó là hãy trải nghiệm đi, trải nghiệm mọi điều trong cuộc sống. Chỉ có trong trải nghiệm, trong những hoàn cảnh cụ thể bạn mới biết mình là người như thế nào. Chỉ có trong trải nghiệm bạn mới tìm ra được chính mình. Trải nghiệm sẽ cho bạn biết bạn là người can đảm hay sợ sệt. Trải nghiệm sẽ cho bạn biết bạn là người giữ lời hay là kẻ thất hứa, là người trọng tình cảm hay luôn bị lý trí lấn át. Chỉ trong trải nghiệm bạn mới biết được khả năng sinh tồn, khả năng xoay chuyển tình huống và khả năng đối phó với những khó khăn. Chính những nét tính cách đó là con người bạn. Làm sao bạn có thể tìm ra nó, tìm ra chính mình khi không trải qua những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống?
lấy thêm dẫn chứng và liên hệ bản thân.

?Câu 2 – Nghị luận văn học : phân tích vẻ đẹp người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác, liên hệ với cảnh cho chữ của huấn cao trong chữ người tử tù để từ đó nhận xét về quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người :

MB: Nguyễn Tuân (1910-1987) là một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp. Trước cách mạng, ông quan niệm cái đẹp chỉ có trong quá khứ “Vang bóng một thời” và tài hoa nghệ sĩ chỉ có ở những con người xuất chúng của thời trước còn vương sót lại. Còn sau cách mạng, ông không đối lập quá khứ với hiện tại và cái đẹp có cả ở quá khứ, hiện tại, đặc biệt là phẩm chất tài hoa có thể có ở cả nhân dân đại chúng. Qua việc phân tích hai nhân vật ông Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” và nhân vật ông Lái đò trong “Người lái đò sông Đà”, chúng ta cũng có thể thấy rõ điều đó.

TB :

Phân tích cảnh vượt thác của người lái đò

Ông lái đò hiện lên là người khỏe mạnh, từng trải, ngoại hình và tố chất được tạo nên bởi nét đặc thù của môi trường lao động là trên sông nước. “Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh ra như kẹp lấy một cuống lái tưởng tượng. Giọng ông ào ào, nhỡn giới cao vòi vọi”. Nguyễn Tuân gọi con người này là “thứ vàng mười” bởi ông đã đứng trước thử thách và chiến thắng Sông Đà. Trước hết ở ông lái đò Lai Châu là người tài hoa trí dũng, có phong thái ung dung của người nghệ sĩ. Ông tài trí, từng trải, lão luyện trong nghề, đạt đến trình độ “lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của những con thác hiểm trở”. Nguyễn Tuân đã bày tỏ lòng khâm phục của mình đối với người lái đò bằng cách so sánh, liên tưởng độc đáo “sông Đà đối với ông lái đò như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc cả dấu câu chấm than và cả đoạn xuống dòng”. Ông thuộc rõ quy luật phục kích của đá, biết rõ cửa tử cửa sinh.

Lòng dũng cảm của ông được thể hiện qua ba thạch trận. Vòng một sông Đà hiện lên như một kẻ thù nham hiểm xải quyệt, không chỉ sóng gió mênh mang, hút nước, thác nước mà còn bầy binh bố trận “bọt tung trắng xóa cả một chân trời đá”. Đá mai phục ngàn năm bày binh bố trận những binh pháp tôn tử. Ở vòng này gồm năm cửa trận, bốn cửa tử, một cửa sinh chia thành ba tuyến tiền vệ, trung vệ và hậu vệ. Phối hợp với đá và thác nước hò la vang dậy làm thanh điệp cho đá. Đá oai phong lẫm liệt tiến lùi thách thức còn sóng nước như quân liều mạng. Nhưng ông lái đò vẫn giữ chặt mái chèo để khỏi bị hất tung ra trận địa sóng. Ông cố nén vết thương kẹp chặt cuống lái kiên cường vượt qua cơn võ chiến. Đến vòng hai, sông Đà lúc này mở ra nhiều cửa tử hơn, chỉ có một cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn. Dòng thác hùm beo hồng hộc thế mạnh. Bọn thủy quân cửa ải xô ra níu thuyền vào cửa tử. Ông lái đò cùng chiếc thuyền cưỡi trên con sông như cưỡi trên lưng hổ. Ông nắm chắc bờm sóng, ghì cương lái miết vào cửa sinh. Bốn năm bọn thủy quân cứ ào nước xô ra níu thuyền vào cửa tử. Dòng sông như con thú hoang lồng lên đòi ăn chết con thuyền. Nhưng ông già dằn mặt từng đứa nắm chắc quy luật của thần sông thần đá không hề nao núng, tỉnh táo, sáng tạo thay đổi chiến thuật chiến thắng Sông Đà. Bị thua ông lái đò ở hai vòng trước, trùng vi thứ ba, dòng thác càng trở nên điên cuồng dữ dội hơn. Ít cửa ra vào, bên phải bên trái đều là cửa tử, luồng sống ở giữa ngay cạnh voi đá vọng về xong ông lái đò vẫn bình tĩnh dũng cảm phóng thẳng thuyền. Thuyền vút vút qua cánh cổng đá để rồi chiến thắng đi qua.

Không chỉ dũng cảm tài ba, người lái đò yển sông còn mang phong thái nghệ sĩ. Sau cuộc vượt thác mọi nguy hiểm như tan biến “sóng nước xèo xèo tan trong trí nhớ”. Họ lại đốt lửa nướng ống cơm lam bàn chuyện cá anh vũ, cá rồng xanh như không có gì xảy ra”. Mặc dù ngày ngày họ phải vật lộn đối mặt với hiểm nguy rình rập. Đó là vẻ đẹp của một tâm hồn nghệ sĩ.

Phân tích vẻ đẹp của Huấn Cao trong cảnh cho chữ

Cảnh “cho chữ” diễn ra thật lạ, quả là cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”. Kẻ tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” đang “đậm tô từng nét chữ trên vuông lụa bạch trắng tinh” với tư thế ung dung tự tại, Huấn Cao đang dồn hết tinh hoa vào từng nét chữ. Đó là những nét chữ cuối cùng của con người tài hoa ấy. Những nét chữ chứa chan tấm lòng của Huấn Cao và thấm đẫm nước mắt thương cảm của người đọc. Con người tài hoa vô tội kia chỉ mới cho chữ ba lần trong đời đã vội vã ra đi, để lại biết bao tiếc nuối cho người đọc. Qua đó, Nguyễn Tuân cũng gián tiếp lên án xã hội đương thời đã vùi dập tài hoa con người. Và người tù kia bỗng trở nên có quyền uy trước những người đang chịu tránh nhiệm giam giữ mình. Ông Huấn đã khuyên viên quản ngục như một người cha khuyên bảo con: “Tôi bảo thực thầy quản nên về quê ở đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững rồi cũng có ngày nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.

Theo Huấn Cao, cái đẹp không thể nào ở chung với cái xấu được. Con người chỉ thưởng thức cái đẹp khi có bản chất trong sáng, nhân cách cao thượng mà thôi. Những nét chữ cuối cùng đã cho rồi, những lời nói cuối cùng đã nói rồi. Huấn Cao, người anh hùng tài hoa kia dù đã ra đi mãi mãi nhưng để lại ấn tượng sâu sắ cho những ai đã thấy, đã nghe, đã từng được thưởng thức nét chữ của ông. Sống trên cõi đời này, Huấn Cao đã đứng lên đấu tranh vì lẽ phải; đã xóa tan bóng tối hắc ám của cuộc đời này. Chính vì vậy, hình tượng Huấn Cao đã trở nên bất tử. Huấn Cao sẽ không chết mà bước sang một cõi khác để xua tan bóng tối nơi đó, đem lại hạnh phúc cho mọi người ở mọi nơi.

?Tổng kết về nghệ thuật của Nguyễn Tuân :
Ngày xưa Nguyễn tuân bị xem là nhà văn có quan điểm duy mỹ. Ngày nay ông hướng ngòi bút của mình đến những con người lao động bình thường đang âm thầm cống hiến cho đất nước. Ông phát hiện ra nét tài hoa nghệ sĩ của họ được thể hiện ngay trong công việc lao động vô cùng nguy hiểm nhưng cũng vô cùng cao cả của mình. Nguyễn Tuân gọi đó là “Cái thứ vàng mười mang sẵn trong tâm trí con người Tây Bắc”. Qua đây, Nguyễn Tuân muốn phát biểu một quan niệm: người anh hùng không chỉ xuất hiện trong chiến đấu, mà còn xuất hiện trong cuộc sống lao động bình thường.

Kết luận: Tóm lại Huấn Cao là kiểu nhân vật tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn của Nguyễn Tuân trước CM tháng tám; Còn người lái đò là kiểu nhân vật tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Tuân sau cách mạng. Qua đây, ta thấy Nguyễn Tuân xứng đáng là một nhà văn suốt đời mải mê đi tìm cái đẹp, ca ngợi cái đẹp và không ngừng sáng tạo, bao giờ ông cũng tạo được cho mình một nét phong cách độc đáo hấp dẫn

Đề thi - Tags: , ,