Kinh nghiệm làm bài thi Toán dành cho học sinh các cấp

Contents

Những kinh nghiệm làm bài thi môn Toán mà Trung tâm Gia sư Hà Nội gửi tới hôm nay sẽ giúp các em học sinh đạt được kết quả cao trong các kì thi như học kì, thì hết cấp, thi chuyển cấp, thi vào đại học, cao đẳng, tốt nghiệp THPT quốc gia.

Xin lưu ý, kinh nghiệm này là chung cho mọi học sinh, các em cũng cần áp dụng sao cho phù hợp với bản thân mình.

Bí quyết làm bài

– Khi được phát đề, đừng vội vã bắt tay vào làm ngay mà các bạn hãy đọc lướt qua toàn bộ đề, “ngắm” những câu mình có khả năng làm được thì làm trước. Với một số câu thấy dễ nhưng khi bắt tay vào làm thì lắt léo khiến bạn “vật vã” hoài thì cứ mạnh dạn bỏ qua và làm tiếp câu khác, đừng mất quá nhiều thời gian cho nó. Có thể khi quay lại làm bài sẽ giải được ngay đấy!

– Hãy nháp trước khi làm bài nhé. Đảm bảo giải ra đáp số rồi mới làm chi tiết trong bài. Đừng bỏ qua công đoạn này nếu không muốn bài thi của bạn lem nhem vết tẩy xóa, rất mất thẩm mỹ.

– Trong một bài toán có 3 câu mà mới làm được 1 câu cũng viết ngay vào bài, câu chưa làm được để lại. Bài tiếp theo làm ngay ở dưới (không cần để cách giấy). Khi đã làm xong các câu dễ thì mới suy nghĩ và làm các câu còn lại. Câu nào làm được tiếp chỉ cần ghi vào bài thi như sau: Bài 1 câu c hoặc Bài 3 câu b …. và trình bày lời giải. Miễn là bài bạn không gạch bỏ lem nhem, còn thứ tự câu hỏi bị đảo lộn sẽ không gây ảnh hưởng gì đâu.

Để giành điểm tối đa ở từng dạng bài

Dạng bài Rút gọn biểu thức

– Xem phân thức nào có thể rút gọn (khi phân tích tử và mẫu thành nhân tử) trước khi quy đồng.

– Tuân thủ thứ tự thực hiện phép tính (trong ngoặc ưu tiên đầu tiên, sau đó đến nhân chia rồi mới đến cộng trừ)

– Không nên làm tắt khi quy đồng có dấu ” – ” ở trước phân thức vì rất dễ bị nhầm dấu dẫn đến kết quả sai.

– Khi giải và kết luận cần chú ý đến điều kiện xác định của ẩn.

Dạng bài Giải phương trình, hệ phương trình (giải bài toán bằng cách lập phương trình)

– Đọc kĩ yêu cầu thật cẩn thận

Nếu đề yêu cầu giải bài toán bằng cách lập hệ phương trình thì phải giải bằng cách lập hệ phương trình.

Nếu đề yêu cầu giải bài toán bằng cách lập phương trình thì có thể giải bằng cách lập phương trình hay hệ phương trình đều được.

– Phân tích dữ kiện đề bài

Thống nhất đơn vị (nếu cần).

Phân tích đề bài bằng cách kẻ bảng hoặc gạch ý ra nháp.

Thường chọn ẩn trực tiếp dựa vào câu hỏi của bài (đơn vị, điều kiện).

Có lập luận khi có số mới hoặc đại lượng mới (chú ý đơn vị).

Khi đã có phương trình, nên rút gọn phương trình (nếu có thể) trước khi giải.

Dạng bài Hình học

Kinh nghiệm làm bài thi Toán dành cho học sinh các cấp

Với dạng toán hình học cần vẽ hình rõ ràng và chính xác

– Vẽ hình rõ ràng và chính xác theo dữ kiện đề ra, bởi hình vẽ là chìa khóa để bạn giải được dạng toán hình học.

Đọc kĩ đề bài, vẽ nhanh hình ra nháp rồi mới vẽ vào bài thi.

Phân biệt “điểm nằm giữa” và “trung điểm của đoạn thẳng”; điểm thuộc tia hay thuộc tia đối của tia.

Nên dùng bút chì vẽ hình và viết tên các điểm (ở nháp) từ đó có hình vẽ chuẩn vào bài thi, tránh đường kẻ đè lên tên các điểm.

– Mẹo làm bài hình học

Bài toán hình học khi làm cũng sẽ tuân theo một số nguyên tắc chung như câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau. Nếu câu a không làm được thì để lại làm câu b, c trước (công nhận kết quả câu a khi câu b, c cần đến kết quả của câu a). Sau đó làm câu a sau cũng được.

Khi chứng minh phải có đủ lập luận, căn cứ. Áp dụng định lý, tính chất nào ở đâu thì bạn nên mở ngoặc ghi rõ ràng ở chỗ đó.

Để làm tốt dạng bài này thì yếu tố vô cùng quan trọng đó là nắm được tính chất của các loại đường thẳng, các loại hình, các định lý trong tam giác, hình vuông, hình tròn, hình thang,… Nếu thấy khó khăn, bạn nên bám vào các dữ liệu đã cho trong đề ra và thử xem từ dữ liệu đó mình suy ra được những gì. Nếu chưa có định hướng làm bài, bạn nên gạch ý ra tất cả những gì suy ra được từ đề ra và lần mò làm bài từ đó.

Nếu vẫn không thể làm được, bạn có thể ghi toàn bộ những phân tích của mình vào trong bài, biết đâu lại được điểm đấy, “còn nước còn tát” mà.

Phương pháp ôn luyện trong giai đoạn “nước rút”

Ôn kiến thức: “nằm lòng” các công thức, tính chất, định lý

 Hình học: Nắm chắc nội dung các định nghĩa, định lí được học trong chương trình (xem lại phần tóm tắt ở các bài Ôn tập chương trong Sách giáo khoa)

– Đại số: các kiến thức cơ bản bạn cần nắm gồm:

Các hằng đẳng thức đáng nhớ

Tính chất tỉ lệ thức

Công thức giải phương trình bậc hai

Định lí Vi-et

Định lí dấu của tam thức bậc hai

Phương trình bậc hai có nghiệm thỏa mãn các điều kiện

Các phương pháp tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất

Luyện giải bài theo dạng

Bạn có thể phân dạng các bài toán và ôn tập tổng hợp thành từng chuyên đề để đảm bảo tính hệ thống về kiến thức đồng thời giúp hiểu sâu, hiểu kĩ về các vấn đề liên quan đến nội dung từng chuyên đề. Bạn có thể phân chia nội dung ôn tập thành các dạng bài sau để làm quen trước với đề và hệ thống hóa kiến thức:

Đại số:

Rút gọn biểu thức

Hàm số và đồ thị

Phương trình và hệ phương bậc nhất (giải bài toán bằng cách lập phương trình)

Phương trình bậc hai

Bất đẳng thức, GTLN, GTNN

Hình học:

Hệ thức lượng trong tam giác vuông

Góc và đường tròn

Luyện giải đề thi

Đây là phương pháp ôn tập đặc biệt hiệu quả trong giai đoạn cuối của chương trình ôn luyện thi. Luyện giải đề thi sẽ cho bạn nhìn nhận, đánh giá lại thực lực của bản thân, phát hiện ra những điểm yếu, những “lỗ hổng” kiến thức để mau chóng khắc phục đồng thời có thêm kĩ năng, kinh nghiệm và rèn luyện tâm lí thi cử. Vì vậy mỗi ngày ít nhất bạn cũng nên luyện giải thử 1 đề toán nhé!

Hãy ưu tiên làm đề tuyển sinh các năm trước của trường mà bạn muốn thi vào. Sau đó làm tiếp những đề thi của tỉnh/thành phố mình các năm học trước rồi sưu tầm thêm các đề thi chất lượng của các tỉnh/thành phố khác, đề thi thử của các trường, các thầy cô uy tín nữa nhé. Làm đề thi chính là cách để bạn nắm vững cấu trúc đề cũng như nhớ lý thuyết nhanh nhất.

Tin tức - Tags: ,