Mặt trái của những “phương pháp thần kỳ” khi học tiếng Anh

Những “phương pháp thần kỳ” khi học tiếng Anh mà mọi người được biết liệu có tác dụng hay không? Các bạn hãy đọc qua tâm sự của một thầy giáo tiếng Anh xem nhé.

Mấy hôm trước tôi có chia sẻ ngộ nhận của bản thân trong suốt những năm đầu học tiếng Anh. Một trong những thứ tôi đề cập đến là PHƯƠNG PHÁP. Hôm nay xin mạn phép mổ xẻ một phương pháp đã và đang làm mưa làm gió, thậm chí còn được coi như kim chỉ nam cho các bạn mới bắt đầu.

NGHE THỤ ĐỘNG

“Nghe thụ động” là phương pháp kinh điển được nhiều người áp dụng và truyền bá rộng rãi. Theo cách này, người học sẽ nghe tiếng Anh MỌI LÚC MỌI NƠI mà KHÔNG CẦN HIỂU nội dung là gì. Phương pháp dựa trên “CÁCH TRẺ EM HỌC TIẾNG MẸ ĐẺ” nên “nghe thụ động” dễ dàng có được bằng chứng hoàn hảo cho tác dụng thần kỳ của nó.

Mặt trái của những "phương pháp thần kỳ" khi học tiếng Anh

Nghe thụ tiếng Anh mọi lúc mọi nơi

Những lợi ích của NGHE THỤ ĐỘNG mọi người có thể search cả nghìn kết quả trên Google. Ở đây tôi xin đóng vai phản diện để khai thác vấn đề ở một khía cạnh hoàn toàn khác.

Thứ nhất: NGHE MỌI LÚC MỌI NƠI

“Nghe sáng trưa chiều tối, nghe trong khi làm việc, nghe lúc nấu ăn, khi đi tắm, lúc ăn cơm, quét nhà, nghe trên đường đến trường, nghe lúc ngủ…”. Nếu thực sự nghe với tần xuất như vậy sẽ mệt mỏi lắm.

Khoa học đã chứng minh não người trong một thời điểm cụ thể chỉ làm tốt một việc duy nhất. Nếu nghe tiếng Anh trong lúc làm việc, hiệu suất công việc giảm sút, bị sếp mắng là chuyện đương nhiên. Chưa kể phân tâm có thể gây hỏa hoạn lúc nấu ăn, tai nạn khi lái xe ngoài đường và bệnh thiếu ngủ kinh niên do phải vừa nghe vừa ngủ.

Thêm nữa nó gây ra cảm giác chán ngán tiếng Anh. Thử hình dung nếu phải ăn quá nhiều và ăn cùng một món duy nhất ngày này qua ngày khác thì điều gì sẽ xảy ra? Nguy hiểm hơn là sự ngộ nhận kinh hoàng rằng mình đã học rất nhiều và hôm nay như thế là đủ, không cần học thêm nữa.

Nghe mọi lúc mọi nơi làm mất tập trung, nhanh chán và lầm tưởng rằng mình đã rất chăm chỉ.

Thứ hai: NGHE KHÔNG CẦN HIỂU

Ai đã từng có tuổi thơ gắn bó với phim hoạt hình Doraemon, One piece, Maruko và lớn lên cùng Japan Antivirus thì chắc chắn đã có hơn 10 năm nghe tiếng Nhật một cách thụ động không cần hiểu. Kết quả chúng ta biết được bao nhiêu câu tiếng Nhật ngoài “a li ga tô” và “cô mê na xai”. Từ bé ta đã xem phim tàu, dù có thuyết minh nhưng vẫn nghe được tiếng nhân vật, ngoài câu “nhì xư xẩy” với “ùa xa la nhỉ” thì mấy người biết được câu thứ ba. Đó là kết quả của việc nghe triền miên mà không cần hiểu.

Nghe không cần hiểu chẳng có tác dụng gì cả.

Vậy tại sao trẻ em lại học được tiếng mẹ đẻ bằng cách nghe thụ động?

Trước tiên tôi xin khẳng định trẻ em KHÔNG HỀ NGHE THỤ ĐỘNG. Thực chất các bé đang NGHE CHỦ ĐỘNG và nghe có mục đích và đó là MỤC ĐÍCH SINH TỒN. Chính MỤC ĐÍCH SINH TỒN tạo ra áp lực khiến các bé phải hiểu bố mẹ nói gì, phải học nói để đòi ăn, đòi ngủ… Nếu đi sâu vào bản chất ta thấy BẢN NĂNG SINH TỒN mới là thứ phải quan tâm. Nó tạo ra động lực buộc các bé phải học ngôn ngữ. Nhưng nhu cầu bản năng đó hầu hết chúng ta hiện tại đã đáp ứng được rồi cho nên động lực rút ra từ đó là bằng 0.

Mặt trái của những "phương pháp thần kỳ" khi học tiếng Anh-1

Trẻ em học tiếng Anh một cách chủ động

Bên cạnh đó, một em bé sau 5 năm học tiếng mẹ đẻ chỉ có khả năng nói các câu đơn giản và quen thuộc trong sinh hoạt hằng ngày. Trong 5 năm, một người lớn không có nhu cầu học ngoại ngữ để tồn tại, không có môi trường thuận lợi để tiếp xúc trực tiếp với ngôn ngữ thì kết quả sẽ trôi dạt về đâu? Nếu việc học có kết quả đi chăng nữa thì khả năng nói bập bẹ như một đứa bé có thực sự xứng đáng với quỹ thời gian khổng lồ đã bỏ ra hay không? Sự thật là học sinh ngày nay từ cấp 1 trở đi đã phải học thêm cả ngày lẫn đêm, người lớn phải chật vật mưu sinh thì không thể bắt chước cách học của các bé chỉ cần biết ăn biết ngủ là ngoan được.

Khi mới học tiếng Anh tôi nhận ra lúc đó chưa muộn nhưng cũng không còn sớm cho một sự khởi đầu. Việc cần làm là học một cách nghiêm túc và học theo cách nhanh nhất có thể (đối với tôi) để còn đi phỏng vấn tuyển dụng. Thay vì mỗi ngày dành 8 tiếng nghe thụ động, tôi dành 20p tập trung hết sức để nghe và chép lại một đoạn hội thoại ngắn. Dành 10p để học từ vựng và bắt chước cách phát âm cũng như ngữ điệu của từng nhân vật trong video. Sau 6 tháng với 1440h nghe thụ động hoặc 54h luyện nghe một cách tập trung tôi tin sự khác nhau trong kết quả sẽ vô cùng lớn. Mọi người hãy tự mình trải nghiệm nhé ^^. Còn nếu ai đó dư dả thời gian nhưng lại thiếu động lực đến mức không thể tập trung được thì hãy nghe thụ động vì như thế vẫn tốt hơn là không làm gì cả.

Dài quá rồi. Thực ra có vài anh chị học cùng tôi hỏi rằng có nên áp dụng cách này cách kia khi mới bắt đầu học ngoại ngữ hay không. Và đây là ý kiến cá nhân của tôi với hi vọng một phần nào đó giải đáp thắc mắc của anh chị. Còn vài phương pháp kinh điển nữa nhưng không có đủ thời gian. Cảm ơn mọi người đã kiên trì đọc. Chúc mọi người một buổi tối thật vui vẻ!

(Theo fb: Tô Minh Nguyên)

Tin tức - Tags: