Một số cách HIỂU SAI về TIẾN SĨ trong tâm lý người Việt Nam – Tiểu Phi

Đây là quan điểm của tác giả Tiểu Phi về “Tiến sĩ” tại Việt Nam. Qua bài viết này chắc các bạn sẽ hiểu thêm phần nào và có cái nhìn đúng đắn về học vị này.

Tác giả phân tích qua 3 phương diện sau đó tóm lại bản chất của tiến sĩ và đào tạo tiến sĩ:

1. Về phương diện đào tạo

Phải hiểu rằng đào tạo tiến sĩ không phải dựa trên quan hệ giảng bài – học tập, không phải thầy – trò mà là phối hợp và nghiên cứu. Do đó, ứng viên của học vị tiến sĩ được gọi là Nghiên cứu sinh (NCS) chứ không phải là sinh viên, học viên dưới sự bảo lãnh hay dẫn dắt của một chuyên gia đủ uy tín (điều kiện) gọi là Người hướng dẫn (NHD).

Hiện nay nhiều người quan niệm “học” tiến sĩ là quan niệm sai ngay từ trong tiềm thức, tức là cũng không hiểu công việc của mình là gì, tại sao mình được cấp bằng và từ đó trở thành rất thụ động, tự ti, ỷ lại vào Người hướng dẫn rồi hi vọng “thầy” của mình “chỉ đâu đánh đấy” không có chính kiến nào cả.

Cũng chính vì thế, đôi khi NHD được là “thầy” theo nghĩa dạy – học, mặc dù chính xác hơn thì quan hệ HDN – NCS là quan hệ đồng nghiệp với ý nghĩa rằng một đồng nghiệp lâu năm, có uy tín khoa học (NHD) đang dìu dắt một đồng nghiệp trẻ (NCS) bước vào con đường nghiên cứu khoa học có mục đích khoa bảng, tức là nghiên cứu để xin cấp học vị, cho dù trong quan hệ đó vẫn có sự “chỉ dạy”, “hướng dẫn”… thì nó vẫn nên thoát ly khỏi tâm lý “thầy – trò”. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt NHD và NCS chứ không phải thầy – trò hay giảng viên – sinh viên/ học viên.

2. Về phương diện luận án

Hiện nay tồn tại hai quan niệm chính đối với luận án tiến sĩ. Đó là quan niệm luận án là một tập “chuyên khảo” (monograph) về một chủ đề nghiên cứu; hoặc quan niệm luận án là tập hợp của các bài báo khoa học đã công bố và chưa công bố được viết liền mạch với nhau theo một logic nhất định để trình bày các kết quả nghiên cứu, tập trung vào một chủ đề có tính cấp thiết nào đó.

Thông thường, cách thứ nhất, một monography thì sẽ thể hiện sự liền mạch, sự nhất quán, sự thông suốt và về hình thức có thể có tính toàn diện hơn nhưng nó lại không đề cao tính “công bố nghiên cứu”, vốn là một trong những đòi hỏi bắt buộc đối với NCKH đương đại, đồng thời những phần nội dung nghiên cứu trong đó có thể khó đo đếm, chưa được kiểm định tại các tạp chí, hội thảo cũng như cộng đồng khoa học cùng lĩnh vực cho đến thời điểm bảo vệ nó, thường là trước một hội đồng duy nhất.

Cách hiểu thứ hai, đề cao tính phản biện, công bố và kiểm định chất lượng hơn. Tuy nhiên nếu coi luận án là một tập hợp các bài báo khoa học thì có thể khi đủ số lượng bài báo những vẫn gây khó khăn cho người viết luận án vì sự rời rạc hoặc đứt quãng của nghiên cứu bởi trong một số trường hợp thì các bài báo được công bố không có sự liền mạch hoặc tập trung vào vấn đề nghiên cứu trọng tâm, cho dù về số lượng có thể đã đảm bảo.

Do đó, người ta có thể kết hợp cả hai quan niệm này để xác định một luận án tiến sĩ được đầy đủ hơn, với nghĩa rộng hơn và cũng đảm bảo tính linh hoạt hơn đối với tác giả của nó mà vẫn không hề làm giảm giá trị khoa học.

3. Về phương diện nghề nghiệp

Ở nước ta người ta thường chúc mừng nhau: “Mừng bảo vệ xong luận án tiến sĩ, từ nay nhẹ gánh nhé”, “chúc mừng tân tiến sĩ, sự nghiệp học tập nghiên cứu coi như đã hoàn thành”…
Đây là những quan niệm nhầm lẫn, thậm chí đây là cách hiểu ngược hẳn với nội dung vấn đề.

Về bản chất, học vị tiến sĩ không phải là cột mốc đánh dấu “kết thúc quá trình nghiên cứu” mà ngược lại, nó là “khởi đầu của một hành trình nghiên cứu” tiếp theo. Có điều, quá trình nghiên cứu khi còn là NCS là quá trình nghiên cứu mà NCS với tư cách nhà nghiên cứu không độc lập, tức là nghiên cứu dưới sự bảo lãnh, định hướng của một đồng nghiệp uy tín, một tổ chức có đủ năng lực trong lĩnh vực đó.

Do đó, tấm bằng TS chỉ là giấy “thông hành” để chứng tỏ rằng quá trình “thực tập nghiên cứu có chỉ dẫn” đó đã thành công (biểu hiện là được cấp bằng – được chứng nhận đạt mức độ TS) và kể từ giờ, NCS đã thành TS, có khả năng tự mình trở thành nhà nghiên cứu độc lập (nếu muốn) và có khả năng đảm bảo những kết quả nghiên cứu do mình công bố.

Tóm lại, bản chất của tiến sĩ và đào tạo tiến sĩ:

– Quan hệ NHD và NCS là quan hệ đồng nghiệp, thành viên nhóm nghiên cứu mà NHD là trưởng nhóm giữ vai trò điều tiết, định hướng và đảm bảo bằng uy tín khoa học của mình chứ không phải quan hệ “thầy – trò” (với học sinh, sinh viên, học viên cao học) như rất nhiều người hiểu một cách đơn giản.

– Quan điểm trong đào tạo TS là nghiên cứu chứ không phải giảng dạy, cho nên nghiên cứu để thành TS chứ không phải “học” tiến sĩ vì không ai dạy được cả. Trong quá trình đào tạo TS, nếu ứng viên bị thiếu kiến thức (môn học) thì có thể bổ sung (học) nhưng đó được quan niệm là điều đương nhiên và là việc phụ, nhằm phục vụ cho quá trình chính – là quá trình nghiên cứu.

– Luận án tiến sĩ không phải là cần “cao siêu”, “khó hiểu”, cũng không ai buộc phải nghiên cứu về nguyên tử chứ không được nghiên cứu về nước tiểu, cũng không ai nói nghiên cứu về tia laze thì “oai” và có hàm lượng khoa học cao hơn nghiên cứu về sán chó… Vấn đề của luận án TS dựa trên hai quan điểm, quan điểm monograph và công bố khoa học. Nhìn chung, các kết quả của luận án phải đảm bảo tính khoa học và hàm lượng khoa học (quan trọng nhất), phải được thẩm định nghiêm túc (tạp chí chuyên ngành, giới chuyên môn, phản biện kín/ mở, hội đồng đánh giá…).

– Bằng TS không phải là là chứng minh “từ nay thoát rồi” (đúng là tư tưởng này rất thuần Việt) mà ngược lại là chứng minh rằng “từ nay được nghiên cứu thực sự rồi” hay “từ nay trưởng thành trong giới KH rồi”. Cho nên quan niệm xong tiến sĩ là không còn gì để… nghiên cứu nữa phổ biến ở VN được thể hiện ở chỗ rất nhiều tiến sĩ đi làm sếp (ở đây mới chỉ tính các tiến sĩ “xịn”, xuất phát từ các NCS nghiêm túc, chưa tính tới các TS dỏm).

(Theo Tiểu Phi)

Tin tức - Tags: