Một số giải pháp tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học môn Tin học lớp 11 ở trường THPT

Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi về mặt con người khá toàn diện: Ngoài trình độ chuyên môn đòi hỏi con người Việt Nam còn phải sử dụng thành thạo máy vi tính, cập nhật công nghệ thông tin, nói thông thạo một số ngoại ngữ… Hiện nay một số bộ phận thanh thiếu niên có dấu hiệu thờ ơ và thiếu nghiêm túc trong việc học tin học, ngoại ngữ và cập nhật công nghệ thông tin dẫn đến trong quá trình phát triển kém, trong quan hệ cộng đồng khó khăn, thiếu niềm tin trong cuộc sống, ý chí hội nhập phát triển kém, không còn tính tự chủ dễ bị tụt hậu so với xã hội.

Trong những năm gần đây, Tin Học được đưa vào trường THPT và một số trường THCS trong phạm vi cả nước là một môn học bắt buộc. Khi mới làm quen với Tin Học, học sinh tỏ ra rất hào hứng vì đây là một môn học khá mới mẻ, hiện đại và mang tính thực tế cao. Tuy nhiên một thời gian sau, khi kiến thức đã khó hơn thì học sinh lại có thái độ thờ ơ trong việc học cũng như vận dụng tin học vào cuộc sống hằng ngày.

Học sinh không có hứng thú với môn học là một tồn tại khách quan, một phần do giáo viên chưa có phương pháp dạy học phù hợp chưa quan tâm tới suy nghĩ, thái độ của học sinh. Một phần là học sinh lười học, không chịu học dẫn đến ngày càng tụt hậu so với yêu cầu chung của học sinh.

Nếu giáo viên không sớm nhận ra hiện tượng này thì nhận thức của học sinh ngày càng thụ động trong việc tiếp thu kiến thức dẫn đến các em không đáp ứng được chuẩn kiến thức của môn học và những kĩ năng cơ bản. Không cần kể nguyên nhân do đâu, cần phải làm sao để học sinh có thể hứng thú với môn học. Chủ động tiếp thu kiến thức, tăng khả năng tự học đáp ứng được yêu cầu của xã hội đối với con người trong xã hội ngày nay.

Để tạo cho học sinh một niềm hứng khởi với môn học tôi đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng trên.

1. Tạo tâm lí thoải mái cho học sinh

Một trong những yếu tố khiến các em không có hứng thú khi tiếp xúc với bộ môn này là do giáo viên tạo áp lực cho học sinh. Một số giáo viên luôn đòi hỏi cao đối với những học sinh nhưng không tìm hiểu xem liệu học sinh có thể đáp ứng được những yêu cầu đó không. Chính vì vậy mà ngay từ khi tiếp xúc với các em tôi đã tạo cho các em tâm lí thoải mái, sự thân thiện, chân thành tin cậy trong các hoạt động dạy và học.

Làm sao để cho học sinh thấy được đối với mỗi học sinh khi ngồi trên ghế nhà trường chúng ta phải thật sự nỗ lực để tiếp thu những kiến thức phổ thông sau này có thể học cao hơn hoặc áp dụng vào thực tế, chứ không phải học chỉ để vượt qua các kì thi mà những kiến thức này lại xem nhẹ.

Trong quá trình dạy giáo viên phải có thái độ nhẹ nhàng khi các học sinh mắc khuyết điểm, cư xử khéo léo với các em, xử lí tốt các tình huống sư phạm.

Việc đánh giá nhận xét phải công bằng, khách quan và công tâm, công khai kết quả trong các giờ kiểm tra và nhận xét bài làm của học sinh. Không nên đánh giá quá thấp sẽ làm cho học sinh chán nản, nên tạo cho học sinh một niềm tin khi học môn này.

Phải có kiến thức vững vàng để giải đáp thắc mắc một cách thuyết phục, khuyến khích các em mạnh dạn hỏi bài khi chưa hiểu.

Xây dựng cho các em thói quen học tập tích cực, động viên kịp thời những học sinh tiến bộ, cung cấp cho các em phương pháp học tập đúng đắn, khuyến khích các em không ngừng cố gắng, tạo điều kiện để mọi học sinh trong lớp đều có cơ hội phát biểu trong giờ học.

2. Tăng cường sử dụng phương tiện dạy học, thực hành

Có thể nói phương tiện dạy học góp phần quan trọng và quyết định đến hiệu quả của tiết học. Nếu như không có phương tiện dạy học thì giáo viên phải làm việc nhiều nhưng kiến thức học sinh thu được lại rất ít. Đặc biệt đối với bộ môn Tin nếu như không có phương tiện dạy học thì tiết học lại càng nhàm chán.

Nếu như đối với bài 7: Các thủ tục chuẩn vào ra đơn giản.

Giáo viên dạy theo phương pháp thông thường thì học sinh sẽ không nhớ và không hiểu việc nhập dữ liệu từ bàn phím và đưa dữ liệu ra màn hình như thế nào. Nhưng nếu như giáo viên sử dụng một chương trình pascal đơn giản và minh họa cho học sinh thì học sinh sẽ hiểu và nhớ lâu hơn.

Đối với bài 8 giáo viên kết hợp máy tính và máy chiếu để hướng dẫn học sinh các bước để soạn thảo, dịch, thực hiện và hiệu chỉnh chương trình sẽ giúp học sinh nắm vững hơn.

Có thể nói giờ học thực hành khá quan trọng với bộ môn Tin Học. Nếu như giáo viên chỉ dạy lí thuyết mà không chú trọng đến thực hành thì sẽ không khắc sâu được kiến thức cho học sinh đồng thời học sinh không biết được những lỗi mà mình mắc trong quá trình viết chương trình. Đối với học sinh vì hầu hết đều ít tiếp xúc với máy tính nên các em rất háo hức mong chờ tiết thực hành nên nếu như giáo viên thường xuyên cho các em thực hành trong giờ dạy cũng như giờ thực hành thì học sinh sẽ rất hào hứng trong giờ học.

Để giờ thực hành đạt hiệu quả thì cần có sự chuẩn bị thật tốt:

Đối với giáo viên: Cần chuẩn bị thật kĩ tiến trình bài thực hành, lựa chọn nội dung phù hợp với từng lớp. Giáo viên có thể lựa chọn các chương trình đơn giản đã viết trên lớp làm nội dung buổi thực hành sau đó có thể thực hành thêm nội dung trong sách giáo khoa vì có những lớp kiến thức của các em khá kém các em không nắm bắt được hết nội dung trong sách giáo khoa của tiết đó.

Đối với học sinh: Cần nghiên cứu trước nội dung buổi thực hành và phải mang đầy đủ sách vở cần thiết tránh hiện tượng không nắm được trước nội dung sẽ không chủ động trong quá trình thực hành.

Trong buổi thực hành giáo viên có thể hướng dẫn trước một số công việc trên máy chiếu trong phòng thực hành để học sinh quan sát sau đó để các em tự thực hành. Giáo viên cần phải thường xuyên quan sát trong phòng máy vì rất nhiều em tranh thủ chơi điện tử hoặc thực hành không đúng nội dung mà giáo viên yêu cầu.

3. Sử dụng bài giảng điện tử, minh hoạ từ thực tế

Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và bùng nổ công nghệ thông tin làm cho tất cả các lĩnh vực đều ảnh hưởng trong đó có giáo dục. Nếu như trước đây hoạt động dạy và học chủ yếu theo phương pháp truyền thống và kiến thức mà học sinh thu nhận được chủ yếu là từ giáo viên thông qua phương tiện truyền tải chính là sách giáo khoa thì giờ đây trong giờ học học sinh không phải nhàm chán chỉ với riêng cuốn sách giáo khoa mà còn rất nhiều phương tiện khác truyền tải thông tin hay và hấp dẫn trong đó có bài giảng điện tử của giáo viên.

Trong mỗi tiết học nếu như giáo viên sử dụng hợp lí bài giảng điện tử thì sẽ đạt hiệu quả rất cao. Giáo viên không phải làm việc nhiều nhưng lại kích thích sự hứng thú tiếp thu bài giảng ở học sinh.

Trong chương trình Tin Học 11 sử dụng rất nhiều thuật toán cơ bản ở lớp 10, tuy nhiên do học từ đầu năm lớp 10 nên hầu như học sinh không nắm được chính vì vậy việc ôn tập và củng cố những thuật toán này khá quan trọng đối với học sinh. Nếu như chúng ta chỉ ôn tập theo phương pháp truyền thống thì sẽ không đạt được kết quả như mong muốn. Hiện nay trên mạng Internet có rất nhiều tài liệu liên quan đến vấn đề này như minh họa thuật toán rất sinh động và hấp dẫn nếu như giáo viên tích hợp trong bài giảng điện tử thì việc ôn tập lại những kiến thức này cho học sinh không có gì quá khó khăn.

Một trong những vấn đề quan trọng để tạo ra thuật toán đó chính là ý tưởng. Nếu như chúng ta không có ý tưởng nhìn nhận vấn đề đúng đắn thì không thể tạo ra thuật toán chính xác. Một trong những phương pháp để truyền đạt lại ý tưởng thuật toán cho học sinh đó là liên hệ gần gũi từ thực tế giúp học sinh hiểu rõ vấn đề và nhớ lâu.

Ví dụ: hoán đổi giá trị 2 biến x, y cho nhau.

Ban đầu học sinh có thể chưa hiểu rõ công việc trên là như thế nào. Nhưng nếu như giáo viên đưa ra ý tưởng: Hãy hình dung chúng ta có 2 chiếc cốc 1 chiếc cốc đựng rượu và 1 chiếc cốc đựng nước làm sao để chiếc cốc đựng nước ban đầu sẽ đựng rượu còn chiếc cốc đựng rượu sẽ đựng nước.

Học sinh sẽ nghỉ ngay ra muốn làm được công việc trên chúng ta chỉ có thể sử dụng thêm chiếc cốc thứ 3 đóng vai trò là biến trung gian t trong đoạn chương trình sau:

t:= x;

x:= y;

y:= t;

Ví dụ: Tìm số lớn nhất trong 3 số a,b,c.

Học sinh sẽ rất khó khăn trong việc đưa ra ý tưởng đúng cho thuật toán . Bây giờ hãy đặt ra vấn đề này cho học sinh: Chúng ta hãy đưa ra cách tìm bạn cao nhất trong 1 bàn có 3 người. Có thể học sinh sẽ đưa ra nhiều cách trong đó có 1 cách là so sánh 2 bạn ban đầu tìm người cao hơn sau đó sẽ so sánh người cao hơn với người thứ 3 sẽ tìm được người cao nhất đó chính là tư tưởng của thuật toán trên học sinh sẽ nhanh chóng hiểu ra vấn đề và nhớ kĩ.

Var a,b,c, max : real;

Begin

If a> b then max: = a

Else max := b;

If max< c then max: = c;

Write( ‘so lon nhat la:’ ,max)

End.

Việc giáo viên sử dụng những liên hệ gần gũi từ thực tế này giúp cho quá trình dạy và học diễn ra một cách sôi nổi và hấp dẫn giúp học sinh chủ động nắm vững kiến thức.

4. Chú trọng đến dạy tư duy thuật toán cho học sinh

Có thể nói mục tiêu chính của môn Tin học 11 không phải là dạy một ngôn ngữ lập trình cụ thể. Ngôn ngữ lập trình pascal được sử dụng như là công cụ để chuyển tải kiến thức văn hoá phổ thông về lập trình, về ngôn ngữ lập trình bậc cao cũng như để rèn luyên kĩ năng lập trình. Trong phạm vi văn hoá tin học phổ thông, lập trình để giải bài toán trên máy tính được hiểu theo nghĩa chuyển đổi thuật toán đã có sang chương trình viết trên ngôn ngữ lập trình bậc cao. Do đó ở lớp 10 đã có sẵn một số thuật toán trình bày khá kĩ, nên lớp 11 coi trọng việc cài đặt chương trình cho hầu hết các thuật toán đó. Cần đảm bảo tính kế thừa, liên thông môn Tin học của 2 lớp 10 và 11. Tạo điều kiện cho học sinh ôn lại, ghi nhớ lâu dài một số thuật toán căn bản, đặc trưng trong Tin học như sắp xếp và tìm kiếm.

Ngôn ngữ lập trình pascal chỉ là ngôn ngữ để chuyển tải thuật toán nên giáo viên không nên quá đi sâu vào ngôn ngữ này mà chủ yếu vẫn là truyền đạt thuật toán cho học sinh. Đối với mỗi bài tập nào đó giáo viên cần phải yêu cầu học sinh đưa ra ý tưởng sau đó đến thuật toán, nên khuyến khích học sinh đưa ra nhiều ý tưởng và thuật toán khác nhau. Sau đó sẽ phân tích để tìm thuật toán tối ưu.

Ví dụ như trong Sách giáo khoa Tin học 11 có bài tập

Lập trình để giải bài toán cổ sau:

Vừa gà vừa chó.

Bó lại cho tròn.

Ba mươi sáu con.

Một trăm chân chẵn.

Hỏi có bao nhiêu con mỗi loại

Đối với bài toán trên chúng ta có thể có rất nhiều thuật toán tương ứng với nhiều chương trình khác nhau.

Chương trình 1:

Var cho, ga : byte;

Begin

Cho:= 1 to 36 do

Ga := 1 to 36 do

If cho* 4 + ga*2 =100 then write(‘cho=’, cho :3, ‘ga=’, ga);

End.

Chương trình 2:

Var cho: byte;

Begin

Cho:= 1 to 36 do

If cho*4 + (36 – cho) *2 =100 then write(‘cho=’ ,cho: 4, ‘ga=’,36- cho);

End.

Chương trình 3:

Var cho: byte;

Begin

For cho: = 1 to 24 do

If cho*4 +(36-cho)* 2= 100 then write(‘cho=’ ,cho: 4, ‘ga=’,36-cho);

End.

Giáo viên sẽ yêu cầu học sinh đi phân tích xem thuật toán nào là tối ưu nhất. Trong quá trình phân tích sẽ lôi cuốn học sinh vào tiết học một cách sôi nổi và hào hứng. Khi đi tìm một ý tưởng, thuật toán cho một bài toán nào đó học sinh không chỉ ôn tập và rèn luyện kiến thức môn Tin học mà còn là vận dụng và tổng hợp kiến thức môn Toán và rất nhiều môn học khác nhau và trong thực tế cuộc sống hằng ngày. Tại sao mà biến (cho<= 24) trong chương trình 3 ,vì tối đa là 100 chân mà chó có 4 chân nên tối đa là 25 con chó mà trong đó có cả gà nên tối đa chỉ có 24 con chó. Trong giờ học giáo viên nên khuyến khích học sinh đưa ra các thuật toán có thể có. Tuỳ từng đối tượng học sinh mà có thể tăng độ khó của thuật toán.

Trong chương trình Tin Học của chúng ta có 2 loại câu lệnh lặp đó là For – do và While – do giáo viên có thể yêu cầu học sinh chuyển đổi qua lại giữa 2 loại câu lệnh trên. Ví dụ trên chúng ta đã sử dụng For – do vậy có thể sử dụng While – do không, nếu được hãy cài đặt bằng while – do. Đến đây không chỉ đòi hỏi học sinh phải nhớ từng loại câu lệnh mà nó còn đòi hỏi sự tư duy của học sinh vì tuỳ từng bài toán mới có thể chuyển đổi chứ không phải bài nào cũng có thể.

5. Tích cực hoá hoạt động nhóm

Phương pháp dạy học theo nhóm là một trong những phương pháp dạy học mới. Phương pháp này tỏ ra khá nhiều ưu điểm:

Làm việc theo nhóm cho phép tất cả các thành viên trong nhóm giải quyết 1 cam kết làm việc được mô tả rõ ràng, không được giáo viên dẫn dắt trực tiếp mà chỉ nhờ vào sự kết hợp chặt chẽ và phân công công việc trong nhóm nhỏ.

Phương pháp này thích hợp cho việc thảo luận nhóm, đưa ra những cách thức giải quyết đầy tính sáng tạo, kích thích sự hợp tác của các thành viên trong nhóm cùng tham gia vào việc giải quyết 1 vấn đề. Làm việc theo nhóm thoả mãn nhu cầu học tập của cá nhân, người học có thể đưa ra những giải pháp, cách biểu đạt riêng cho vấn đề nào đó. Nếu trong phương pháp thuyết trình người học chỉ có thể trao đổi với nhau rất ít thì làm việc theo nhóm các thành viên tham gia có cơ hội đưa ra quan điểm của mình đối với chủ đề thảo luận, mặt khác ở đó cũng đòi hỏi tăng cường tư duy độc lập và trao đổi lẫn nhau trong nhóm.

Trong khi thực hiện phương pháp làm việc theo nhóm, giáo viên đóng vai trò là người chuyển giao kiến thức và hiểu biết, chuẩn bị, tổ chức, theo dõi việc thực hiện và đánh giá tổng kết kết quả làm việc của các nhóm. Như vậy công việc của giáo viên trong làm việc theo nhóm là không bao giờ thừa, trái lại đó là sự cần thiết để giúp các nhóm đạt được kết quả trong việc tìm ra giải pháp, câu trả lời trong việc giải quyết vấn đề được đưa ra.

Để thực hiện được phương pháp này giáo viên cần lập kế hoạch bài dạy cụ thể và chi tiết. Dự kiến cách chia nhóm, số lượng nhóm, nhiệm vụ và thời gian thảo luận trình bày. Thiết kế bài giảng cần chuẩn bị hệ thống câu hỏi, nhằm khuyến khích học sinh tích cực, hào hứng suy nghĩ ở mức độ cao và sâu hơn.

Đặt biệt đối với môn Tin Học việc chia nhóm để thực hiện khá dễ dàng. Vì mỗi nhóm có thể viết 1 chương trình con nhỏ hay một đoạn của chương trình lớn sau đó ghép tất cả các nhóm thành một chương trình lớn. Hoặc chúng ta có thể để cho mỗi nhóm tiến hành 1 công đoạn trong công việc lập trình trên máy tính như: ý tưởng, viết chương trình, hiệu chỉnh, chạy các bộ test.

Tin tức - Tags: