Sổ tay Văn học 11

Đây mùa thu tới – Xuân Diệu

Tác giả

Xuân Diệu (1916-1985), họ Ngô, quê nội ở Hà Tĩnh, quê ngoại ở Bình Định. Là “nhà thơ mới nhất” trong “Thơ mới”. Xuất hiện trên thi đàn Việt Nam với những tập thơ lừng danh như “Thơ thơ” (1938), “Gửi hương cho gió”. Ông để lại trên 50 tác phẩm. Xuân Diệu viết thơ tình nhiều nhất, hay nhất; viết phê bình thơ độc đáo, đặc sắc nhất.

Năm 1938, Thế Lữ đã trang trọng nói về thi sĩ Xuân Diệu như sau:

“… Một tâm hồn mở rộng, một tấm lòng chào đón. một con người ân ái đa tình…”. Và “Ham yêu, biết yêu, Xuân Diệu muốn tận hưởng tình yêu, vì ông thấy chỉ tình yêu mới gồm được bao nhiêu ý nghĩa”. (Lời tựa tập Thơ thơ – 1938).

Xuất xứ, chủ đề

– “Đây mùa thu tới” rút trong tập “Thơ thơ” xuất bản năm 1938 – tập thơ đầu của Xuân Diệu.

– Bài thơ nói lên tâm trạng buồn man mác, bâng khuâng khi mùa thu đẹp đang tới.

Phân tích

1. Mùa thu tới với rặng liễu:

– Trong thơ cổ: “liễu yếu đào tơ” gợi tả vẻ đẹp thanh tao của giai nhân. Xuân Diệu nhân hóa liễu, một dáng liễu tang tóc buồn “đứng chịu tang”, “lệ ngàn hàng”, liễu “đìu hiu” – Liễu mang nỗi buồn cô đơn của nàng cô phụ.

Thi sĩ khẽ reo lên đón chào mùa thu sang. Điệp ngữ vồn vã: “Đây mùa thu tới/ mùa thu tới”. Đất trời như tắm trong một màu “mơ phai”, đó đây trong cành cây xanh đã điểm, đã “dệt” một hai chiếc lá vàng. Tất cả gợi lên một thoáng thu mênh mang buổi đầu thu, thấm một nỗi buồn man mác. Chữ “dệt” rất thơ, rất mới.

2. Mùa thu tới với vườn hoa.

– Hoa đã bắt đầu rụng. Một tín hiệu báo thu sang. Không phải là tiếng nhạn kêu sương. Một cách dùng số từ rất mới: “Hơn một loại hoa đã rụng cành”.

– Mầu vàng là mầu điển hình của mùa thu quê ta. Nắng vàng nhạt. Trăng vàng nhạt. Gió vàng… và lá vàng. Mầu vàng cũng là hồn thu:

“Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”

(Truyện Kiều)

“Sắc đâu nhuốm ố quan hà,

Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương”

(“Cảm thu, tiễn thu” – Tản Đà)

“Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”

(Bích Khê)

Với Xuân Diệu thì sắc thu đang tiệm tiến: “Trong vườn sắc đỏ rũa mầu xanh”. Từng chấm đỏ cứ lần dần, loang ra trên mầu xanh của lá. Một cách nhìn, một cách tả rất tinh tế và mới. “Sắc đỏ” tương phản với “màu xanh” cũng là một nét thu, buổi đầu thu. Cây đã bắt đầu rụng lá. Gió thu se lạnh nhè nhẹ thổi. Sử dụng phụ âm “r” và “m” để đặc tả cái khô gầy, run rẩy của cành hoa:

“Những luồng run rẩy rung rinh lá,

Đôi nhành khô gầy xương mỏng manh”

Chất cảm giác, chất xúc giác biểu hiện rất thoáng và nhẹ qua 2 câu thơ tuyệt bút này.

3. Mùa thu tới trên bến đò.

Không có cảnh lỡ bước sang ngang. Cũng không có cảnh “Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt” (Tỳ bà hành). Chỉ “đã nghe” và chỉ có “đã vắng”… Một không gian lạnh, rét mướt và vắng lặng. Cô đơn buồn bao trùm cảnh vật, trăng mờ ẩn hiện. Non xa thấp thoáng sau màn sương mờ nhạt nhòa. Các dấu chấm lửng liên tiếp xuất hiện như mùa thu đang nhẹ trôi trong không gian và thời gian. Những nét vẽ làm hiện lên cái hồn thu xứ sở:

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…

Non xa khởi sự nhạt sương mờ…

Đã nghe rét mướt luồn trong gió…

Chữ “luồn” độc đáo, thần tình đã cụ thể “gió”, chỉ cảm nhận được chứ không hình dung được.

4. Mùa thu tới với thiếu nữ.

Thơ cổ hay nói mùa thu về với cô phụ lạnh lùng đơn chiếc. Với Xuân Diệu, thu tới “trăng tự ngẩn ngơ” trên trời xanh, và thiếu nữ thì đăn chiêu, tư lự, bâng khuâng “buồn không nói…” đang “Tựa cửa chờ mong…”. Thu đã tới rồi, mà thiếu nữ vẫn tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì”… Cùng với áng mây, cánh chim…, hình bóng thiếu nữ “tựa cửa nhìn xa…” gợi tả một nỗi buồn cô đơn, chia li vô cùng thấm thía. Cách dùng số từ trong câu thơ này cũng rất mới: “Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói”.

Kết luận

Mùa thu muôn đời trong thơ. Thu trong Đường thi. Thu trong Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập. Thu trong thơ Nguyễn Khuyến, với Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh. Tất cả đều đẹp và buồn.

Mùa thu trong thơ Xuân Diệu vẫn đẹp và buồn. Buồn lên nhiều lần từ dáng liễu, trăng thu đến thiếu nữ. Xa vắng, cô đơn, mênh mông buồn. Có lẽ cảnh sắc trong “Đây mùa thu tới” là cảnh sắc thu Hà Nội? Cách dùng từ, cách diễn đạt cảnh thu, tình thu của Xuân Diệu rất mới. Cảm xúc và hình tượng trong “Đây mùa thu tới” đầm đà sắc điệu cảm giác và xúc giác. “Đây mùa thu tới” là một bài thơ thu sáng giá của Thơ mới 1932-1941.

Ebook, Sách tham khảo - Tags: , ,